Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới: Cần giữ chữ tín để đi đường dài

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, vượt giá gạo Thái Lan và đắt nhất thế giới. Đánh giá về hiện tượng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tin vui nhưng vẫn có điều đáng lo ngại.

 

 DN xuất khẩu gạo phải thận trọng, linh hoạt trong giao dịch với đối tác để giữ uy tín, bảo vệ thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Vừa mừng, vừa lo
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau hơn một tháng kể từ thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, ngày 19/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn; còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Chốt phiên giao dịch ngày 22/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.

Lo ngại về những rủi ro khi giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group Phan Văn Có bày tỏ: hiện các DN xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng.

Đóng bao bì gạo xuất khẩu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Minh Huyền
Đóng bao bì gạo xuất khẩu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Minh Huyền

Với giải pháp đàm phán tăng giá, đa phần khách hàng không đồng ý, bởi giá gạo Việt hiện tại đang cao hơn cả Thái Lan, Mỹ và đứng đầu thế giới. Khi giá gạo quá cao trong khi chất lượng chỉ ở mức trung bình khá thì sẽ làm các DN nhập khẩu chọn nhà cung cấp khác. Đơn cử như, thị trường Iraq thường mua gạo trắng của Việt Nam thời gian trước đó, song vừa rồi gạo của Việt Nam tăng giá quá cao nên nước này đã chuyển sang mua gạo bên Mỹ với số lượng 60.000 tấn.

Đáng nói, điều kiện của Việt Nam tương đồng với Thái Lan, nhưng hiện giá gạo của Thái Lan rẻ hơn của Việt Nam (gạo trắng Thái Lan rẻ hơn gạo trắng
Việt Nam 40 USD/tấn, gạo Jasmine Thái Lan cũng rẻ hơn của Việt Nam 60 USD/tấn); do đó, cùng với một số hợp đồng buộc DN phải hủy thì dự báo các đơn hàng của DN Việt sẽ bị mất rất nhiều. Rủi ro tiếp theo đó là nếu các DN không ký được hợp đồng kỳ hạn cuối năm 2023 thì mùa lúa gạo vụ Thu Đông sắp tới giá sẽ tuột dốc.

Nhận định về giá gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, PGS TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: trước hết là tin vui, bởi từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao dẫn đến giá gạo trong nước có thể cũng tăng. Do đó, DN cần xem xét, tính toán hợp lý để cân đối vấn đề này. Mặt khác, giá gạo tăng cao nhưng nông dân là người trực tiếp sản xuất thì không phải là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc giá gạo của Việt Nam hiện nay đang cao nhất thế giới vừa đáng mừng và cũng vừa đáng lo.

 

Một điều quan trọng mà DN cần lưu ý đó là sự biến động về giá sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá gạo có thể sẽ tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống, trở về mức cân bằng, mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, DN hết sức cẩn trọng, bởi nếu không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến đánh mất bạn hàng nhưng non quá thì sẽ chịu thiệt.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

 

Mừng vì lúa gạo của Việt Nam năm nay vừa được mùa, vừa được giá, sản lượng xuất khẩu tăng 25% nhưng giá trị lên tới 36%. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng và đúng thời cơ trong bối cảnh thế giới đang có sự suy giảm nguồn cung và áp lực về thiếu hụt lương thực. Vì vậy, giá gạo hiện nay giúp cho người nông dân có thêm thu nhập cũng như ngành nông nghiệp yên tâm hơn trong định hướng sản xuất lương thực.

Lo là vì nếu trong kho không còn dự trữ thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đất nước, mà vụ mùa tới, diễn biến ra sao thì chưa lường trước được.

Doanh nghiệp cẩn trọng để đi đường dài

Trước thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga... tác động tới giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu Việt Nam, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ những khuyến cáo kịp thời và sự vào cuộc mạnh của Chính phủ, Bộ Công Thương mà những ngày qua, giá gạo bán ở thị trường nội địa đã không tăng quá cao.

Tuy nhiên, điều lo ngại là trên thị trường vẫn có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, trục lợi.

TS Vũ Vinh Phú đánh giá, Chỉ thị 24/CT-TTg của Chính phủ và Chỉ thị 07/CT-BCT của Bộ Công Thương là những biện pháp kịp thời của Nhà nước về xuất nhập khẩu. Bởi nếu DN cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo thì DN Việt Nam sẽ ngay lập tức gặp khó khi đã ôm hàng với giá cao, khi bán ra sẽ cầm chắc lỗ.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Bộ Công Thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích các bên, một mặt bảo đảm an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, bảo đảm thương hiệu gạo Việt.

Khuyến nghị về giải pháp quản lý thị trường mặt hàng gạo, nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm, Việt Nam cần giữ được mức giá ổn định trong nước bằng các công cụ bình ổn giá. Đây là chương trình Bộ Công Thương đã làm nhiều năm và có kinh nghiệm, còn xuất khẩu thì phải theo giá thế giới.

Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường quản lý về xuất khẩu gạo; Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm về trồng trọt và sản lượng của năm sau. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam cần triển khai hiệu quả những giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế, từ hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu…

 

Nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương là chỉ đạo, điều hành tốt xuất khẩu gạo, song song đó phải dự báo mức sản lượng năm sau cho phù hợp. Về phía Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hỗ trợ người nông dân chuyển đổi giống lúa, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá trị cho hạt gạo Việt.
TS Nguyễn Minh Phong

 

Đối với DN xuất khẩu gạo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết bài toán bảo đảm hợp đồng mà các DN đang đối diện, cần tăng cường tính linh hoạt trong việc ký kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường.

Người nông dân, thương lái, DN xuất khẩu cần tính đến đường dài, bảo đảm thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua nắm chắc mối liên kết dài hạn với các đối tác.