Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh và nỗi lo rủi ro thị trường

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh từ đầu năm 2025 đến nay đang đặt ra bài toán đa dạng hóa thị trường để gia tăng sức cạnh tranh cũng như duy trì quy mô, đà tăng trưởng của ngành lúa gạo Việt Nam trong năm 2025.

Giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh

Giá gạo xuất khẩu ngày 16/2 duy trì ổn định so với những ngày trước đó (từ ngày 11/2), tuy nhiên, vẫn đang ở mức dưới 400 USD/tấn.

Cụ thể, cập nhật số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 16/2 cho thấy, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 397 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của 1 doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ 
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của 1 doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ 

Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Thái Lan ngày 16/2 đang có mức giá tốt hơn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 426 USD/tấn; gạo xuất khẩu 25% tấm đang được chào bán với giá 406 USD/tấn; gạo xuất khẩu 100% tấm được chào bán với giá 374 USD/tấn.

Dù đã thu hẹp khoảng cách giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan, tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam từ 29 – 64 USD/tấn, tùy loại. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang thấp hơn gạo Ấn Độ và Pakistan lần lượt trong khoảng từ 16 - 22 USD/tấn và 4 - 28 USD/tấn, tùy loại.

Như vậy, với mức dưới 397 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn 136 USD/tấn so với mức giá 533 USD/tấn được ghi nhận vào ngày 19/7/2023 (thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo). Còn so với giá đỉnh 663 USD/tấn hồi cuối tháng 11/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã giảm 264 USD/tấn, tương đương mức giảm gần 40%.

Nếu so sánh với thời điểm giá gạo đạt đỉnh, tức vào tháng 1/2024, hiện gạo 5% tấm đã giảm khoảng 260 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng giảm ở mức tương tự; gạo thơm Jasmine giảm 150 USD/tấn.

Đa dạng thị trường đi đôi với xây dựng thương hiệu 

Bộ NN&PTNT nhận định, năm 2025, khi Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam,  tự chủ lương thực chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung sẽ tác động đến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh hoạ
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh hoạ

Sự tụt dốc của giá gạo xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam thông tin, lượng tồn kho của các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam tương đối đầy, chưa phải là lúc mua vào, trong khi thông tin nguồn cung dồi dào lan truyền càng gây sức ép lớn đến giá gạo.

Đáng nói, hiện 3 thị trường truyền thống đang chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng biến động về chính sách của các thị trường này cũng sẽ tác động nhanh nhạy đến thị trường lúa gạo Việt Nam.

Trong năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 7,5%.

Giới chuyên gia và các doanh nghiệp đặt ra câu hỏi tại sao trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm, nhưng tốc độ tụt giảm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn ra nhanh hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan rất nhiều?

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo tập trung quá lớn vào một số ít thị trường mua số lượng nhiều nhằm hưởng chênh lệch đầu tấn (tức bán khối lượng càng nhiều lợi nhuận càng cao) mà chưa tập trung vào giá trị là nguyên nhân khiến ngành gạo Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi rủi ro xảy ra.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... mà cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và châu Phi.

Về phía các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản…Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải phù hợp xu thế tiêu dùng thế giới, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, giá xuất khẩu giảm do Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, từ đó tạo sức ép lên thị trường thế giới. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần sản xuất gạo chất lượng cao, gắn với phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu ở thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia.

Do đó, bên cạnh việc mở cửa thị trường, đảm bảo chất lượng thì chú trọng đến chiến lược xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng... được xem là giải pháp để các doanh nghiệp gạo Việt Nam duy trì sản lượng xuất khẩu và thị phần tại nhiều thị trường.

 

Theo Kế hoạch của Bộ NN&PTNT, năm 2025, diện tích sản xuất lúa là 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với 2024; năng suất dự kiến 61,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt khoảng 43,1 triệu tấn, giảm khoảng 357.000 tấn so với năm 2024. Trong đó, lúa dùng cho xuất khẩu dự kiến 15 triệu tấn, tương đương 7,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu.