Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng chững lại so với thời cao điểm trước đây, song các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo, từ nay đến hết năm 2023, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao.

Giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan những ngày gần đây giảm nhẹ so với mức giá cao thời điểm tháng 8/2023, trong khi việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đồ (parboiled rice) từ ngày 25/8 đã khiến khiến hoạt động giao dịch chững lại khi người mua trì hoãn để đợi giá rẻ hơn.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam từ nay đến cuối năm 2023 vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Ảnh minh họa
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam từ nay đến cuối năm 2023 vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Ảnh minh họa

Ghi nhận ngày 26/9, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 613 - 617 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức 615 - 625 USD/tấn của tuần trước, nhưng vẫn cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 5 USD/tấn. Giá gạo loại 25% tấm của Việt Nam đang duy trì ở mức 603 - 607 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn.

Dự báo giá gạo những tháng cuối năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích, giá gạo hiện đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.

Tuy nhiên, nhìn chung giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu còn phụ thuộc vào thời tiết, phản ứng chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan trong thời gian tới.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Công Hùng
Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Công Hùng

Với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Một số doanh nghiệp chia sẻ, thời điểm này đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho quý IV/2023. Cùng với đó, giữa tháng 9/2023, Indonesia đã mua thêm 50.000 tấn gạo từ doanh nghiệp Việt Nam qua đấu thầu, nhiều nước cũng tăng tìm kiếm nguồn nhập khẩu gạo từ Việt Nam để bù vào nguồn thiếu hụt do Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo.

Ổn định nguồn cung, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng

Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu đã chững lại và sự tăng giảm đều ở mức không đáng kể. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các giao dịch gạo ổn định trở lại cũng như các hợp đồng xuất khẩu gạo mới dễ được ký kết hơn.

Tại Thái Lan, sản lượng gạo năm nay dự báo giảm 6%, xuống mức từ 25,1 -25,6 triệu tấn và còn có thể xuống thấp hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Việt Nam cũng dự báo 70 - 80% hiện tượng El Nino sẽ phát triển vào cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Dựa trên ước tính của Bộ NN&PTNT, sẽ có 10.000 - 15.000ha lúa Thu Đông của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn.

Trong khi đó, để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đều đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực khiến nhu cầu gạo trên thế giới càng tăng cao. Đây là những điều kiện để xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá trong năm nay.

 

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 5,8 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Giá gạo toàn cầu vẫn sẽ duy trì ở mức cao, do đó, để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế ngành gạo Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các thị trường giá trị cao.

“Từ giờ đến cuối năm, một mặt bảo đảm sản xuất, ổn định nguồn cung gạo xuất khẩu, mặt khác các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt triển khai các biện pháp bình ổn thị trường. Đồng thời, các nhân tố tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo cũng cần giữ uy tín, có trách nhiệm với các hợp đồng thu mua lúa gạo đã ký trong nước” – ông Đỗ Hà Nam lưu ý.