Giá giảm vì áp lực nguồn cung
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, giá gạo xuất khẩu những ngày gần đây có xu hướng chững lại và duy trì ổn định. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 13/3, giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức 579 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 557 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 478 USD/tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng sau chuỗi ngày giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh.
Trước đó, từ giữa tháng 2 đến ngày 6/3 giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đã giảm 110 USD/tấn so với đỉnh 688 USD/tấn vào tháng 12/2023.
Nguyên nhân của tình hình được các chuyên gia nhìn nhận là do ở thời điểm này, các khách hàng lớn giảm mua sau khi đã nhập khẩu một số lượng lớn gạo. Bên cạnh đó, nguồn lúa gạo dồi dào hơn do các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân giống như nước ta. Điều này khiến nhiều nhà nhập khẩu bớt áp lực mua hàng và tiếp tục kỳ vọng giá tốt hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia thị trường Phan Mai Hương (chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News) nhận định, trước hết, phải xác định giá gạo xuất khẩu hiện nay thấp hơn so với đỉnh điểm năm 2023 nhưng vẫn cao so với mặt bằng bình quân nhiều năm. Xu hướng giảm giá gạo gần đây là diễn biến thuận theo quy luật cung - cầu của thị trường. Nhu cầu lương thực thế giới vẫn cao nhưng không cấp bách như giai đoạn trước.
"Các quốc gia sản xuất lúa gạo như Việt Nam, Thái Lan đều đang thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm, do đó nguồn cung khá dồi dào. Các nhà nhập khẩu gạo lớn đều nắm rõ thời điểm thu hoạch và sản lượng lúa gạo từ các quốc gia nên họ không vội vàng mua vào mà có tâm lý chờ để trả được giá tốt hơn" - bà Phan Mai Hương phân tích.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn và sau khi dành cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực thì lượng dành cho xuất khẩu mục tiêu là 7,5 – 8 triệu tấn gạo. Tháng 3/2024 vào chính vụ Đông Xuân, đây là vụ lớn nhất trong năm với số lượng thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo, trong đó 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao
Mặc dù giá gạo xuất khẩu có chuỗi ngày dài giảm liên tục nhưng đây chỉ là xu hướng trong ngắn hạn và sẽ không giảm quá sâu do nhu cầu lương thực thế giới vẫn rất cao vì tác động của biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 2/2024 kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 508.000 tấn, kim ngạch 342 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 lập mốc kỷ lục 673 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng hơn 14% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
Đơn cử theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc đều có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Trong đó Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấngạo; Indonesia cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo.
Với thị trường Trung Quốc, sau thời gian dài dừng nhập khẩu và sử dụng gạo dự trữ cũng đã bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, Ấn Độ là nước có sản lượng gạo lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá lương thực trong nước.
Xuất khẩu gạo năm 2024 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu. Chia sẻ về tín hiệu thị trường nửa đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam nhận định, tình hình tiếp tục thuận lợi. Do đó, Hiệp hội đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
VFA cũng khuyến cáo, các DN, hợp tác xã và nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
“Gạo hiện vẫn là mặt hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh còn rất lớn. Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng nắm bắt thông tin, thích ứng linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường toàn cầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và gia tăng giá trị xuất khẩu một cách bền vững.” – ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.