Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá gas giảm sốc, ai hưởng lợi?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/11, giá gas trên thị trường giảm 3.333 đồng/kg, đây là lần đầu tiên giá mặt hàng này giảm sau 3 tháng liên tiếp tăng. Nguyên nhân dẫn đến việc giảm giá lần này được các DN kinh doanh đưa ra là do giá gas trên thị trường thế giới giảm 122,5 USD/tấn.

 Trạm sang nạp gas đủ điều kiện theo quy định của Giadinhgas. Ảnh: Hoài Nam
Gas giảm giá sốc, đại lý "lời to"
Chiều ngày 31/10 các DN kinh doanh gas phát ra thông báo, từ ngày 1/11, giá gas giảm 3.333 đồng/kg. Với mức giá mới này mỗi bình gas loại 12kg khi đến tay người tiêu dùng sẽ giảm 40.000 đồng, lùi về 349.000 đồng/bình. Các loại bình 45kg và 50kg lần lượt giảm 150.000 đồng và 167.000 đồng. Đây là lần đầu tiên giá bán gas giảm sau 3 tháng (tháng 8 - 9 - 10), đưa mỗi bình gas loại 12 kg tăng thêm 45.000 đồng, qua đó đưa tổng mức tăng giá trong 6 tháng qua lên đến 71.000 đồng/bình 12 kg.
Mặt hàng gas tuy thuộc danh mục có kê khai và đăng ký giá, nhưng lại do thị trường quyết định. Do vậy, khi biến động các thông số đầu vào, DN đầu mối chỉ trình liên bộ Tài chính - Công Thương xem xét, nếu đảm bảo đúng quy định thì giá sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống phân phối gas hiện qua nhiều khâu trung gian nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên, vì vậy việc kiểm soát giá gas trong nước phải xuất phát từ chính khâu phân phối chứ không thể chỉ quản lý giá đầu vào.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga
Theo các DN kinh doanh gas, hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% mức tiêu thụ. Hiện giá gas thế giới tháng 11/2018 giao dịch ở mức 540 USD/tấn, giảm tới 122,5 USD/tấn so với tháng 10 nên việc DN giảm giá bán là điều đương nhiên. Giám đốc kinh doanh Công ty CP Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) Lê Quang Tuấn chủ sở hữu các thương hiệu gas như Pacific, City, Eff… cho biết: Mức giảm giá mạnh trên đã khiến các DN kinh doanh gas trong nước lỗ nặng do còn nhiều hàng tồn kho, thậm chí, có nhiều DN còn mới nhập hàng về.

Trái với lo lắng thua lỗ của các DN kinh doanh gas, ở chiều ngược lại các đại lý bán lẻ lại “lời to”. Nguyên nhân là các đại lý, cửa hàng đã được các thương nhân “bao giá” từ ngày 25 - 31/10, nghĩa là trong khoảng thời gian này đại lý được lấy hàng với mức giá áp dụng từ tháng 11 (giảm 40.000 đồng/bình 12kg), do vậy, biên độ lợi nhuận trên mỗi bình gas của các đại lý trong thời điểm cuối tháng 10 là rất cao. Lý giải về vấn đề này DN đầu mối kinh doanh gas cho biết: Hiện việc cung ứng gas cho thị trường có đến 20 DN, nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt, muốn giữ được thị phần các DN phải đua nhau về giá để chiều lòng đại lý.

Siết chặt giá gas

Thực tế, trong thời gian qua, lấy lý do giá gas trên thị trường thế giới tăng nên giá bán trong nước tăng liên tục khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi, liệu việc kiểm tra, kiểm soát giá gas do DN đầu cung cấp cũng như việc bán theo giá niêm yết của các cửa hàng có được thực hiện nghiêm ngặt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Loan ở ngõ 85 phố Nguyễn Lương Bằng phản ánh: Mặc dù các DN kinh doanh gas tuyên bố giảm 40.000 đồng/bình gas 12 kg nhưng người tiêu dùng chỉ được các cửa hàng kinh doanh gas giảm 30.000 - 35.000 đồng/bình 12 kg. Trả lời thắc mắc người tiêu dùng về vấn đề này, các cửa hàng kinh doanh gas đều chung ý kiến: DN giảm 40.000 đồng/bình 12 kg nhưng cửa hàng mất thêm chi phí vận chuyển bình gas tới người tiêu dùng nên chỉ có thể giảm vừa phải để bù đắp chi phí.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) kiến nghị, trong thời gian tới, Bộ Tài chính và Cục Quản lý thị trường cần kiểm soát chặt giá gas trong nước ngay từ khâu phân phối, giảm khâu trung gian, giảm đầu cơ, không để lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.