Thời điểm này, hầu hết chợ truyền thống, siêu thị, hàng quán trên địa bàn TP Hà Nội đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả tươi…
Sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các tỉnh đổ về Hà Nội sinh sống và làm việc, nên nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, giá cả nhiều loại vẫn neo ở mức cao so với dịp trước Tết. Trong đó, giá gia cầm lông tại các chợ truyền thống, siêu thị đang được bán với giá 140.000 - 150.000 đồng/kg; giá gà thịt dao động quanh mức 180.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Bình, chuyên buôn bán gia cầm tại chợ La Cả (Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết, trước Tết, gà là mặt hàng bán chạy nhất và mỗi ngày tăng một giá, thậm chí giá gà sau khi được làm sạch lên tới 180.000 đồng/kg.
Thời điểm này, giá gà thịt vẫn giữ giá ở mức cao với 170.000 - 180.000 đồng/kg do người dân có nhu cầu mua để hoá vàng, đi lễ dịp đầu năm. Mặt khác, giá gà tăng cao còn do nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là loại gà trống. Tuy nhiên theo chị Bình, giá gà chỉ neo cao trong tháng Giêng và sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.
Vừa chăm sóc đàn gà, ông Nguyễn Văn Bình (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) cho biết, năm 2021, người chăn nuôi gà gồng mình gánh lỗ, sản phẩm bán ra dưới giá thành sản xuất do đầu ra khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, giá cám tăng cao khiến không ít hộ bên bờ vực phá sản và e dè tái đàn.
Vào dịp cuối năm 2021 và sau Tết, giá gà tăng cao nên người chăn nuôi vớt vát được một chút lãi. Thời điểm này là thời gian cao điểm để các hộ vào lứa mới, tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi đang e dè tái đàn bởi giá cám vẫn tiếp tục tăng, trong khi đầu ra sản phẩm bấp bênh do dịch Covid-19.