Đó là nhận định của Bộ Công Thương tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thị trường trước và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Đảm bảo đủ hàng hóa
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sức mua dịp Tết Ất Mùi cao hơn so với dịp Tết Giáp Ngọ. Các DN trong cả nước đã tập trung một lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết; các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường,... đã được các DN xúc tiến rộng rãi. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường về giá cả, mẫu mã, chất lượng, vệ sinh thực phẩm… Đối với các chợ truyền thống, đã đảm bảo phục vụ người tiêu dùng mua sắm những mặt hàng bình dân, thiết yếu, nhất là khu vực nông thôn - nơi các siêu thị chưa xây dựng được hệ thống bán lẻ. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc của các DN, năm nay, ngành thương mại điện tử đã khá phát triển, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tại khu vực đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua điện thoại, internet, giao hàng tận nhà.
Ông Nguyễn Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận xét, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua vẫn có xu hướng tập trung khá lớn do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây... Ngoài ra, tại các điểm bán hoa cây cảnh Tết do các địa phương tổ chức, hàng hóa khá đa dạng, hình thức đẹp và được bày bán khá sớm. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, các mặt hàng nhu yếu phẩm không có biến động về giá, vì người dân đã chuẩn bị và dự trữ đủ từ trước Tết nên trong 3 ngày Tết (30, Mùng 1 và Mùng 2 Tết) giá các mặt hàng vẫn ổn định.
Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong dịp Tết, trên cả nước, giá hàng hóa, dịch vụ về cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá cục bộ. Tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... sức mua của người dân tăng khoảng 15 - 20%. Nhìn chung, giá các loại hàng hóa trên thị trường trước và sau Tết khá ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Shop&Go, B'Smart, hệ thống các cửa hàng tiện lợi của một số thương hiệu lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như Hapro, Coopmart đã phục vụ cả 3 ngày Tết, qua đó góp phần hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.
Giá thực phẩm tươi sống sẽ có chiều hướng giảm
Ghi nhận của phóng viên trong ngày Mùng 5 Tết (23/2) tại một số chợ như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Thành Công, chợ Kim Liên, chợ Ngã Tư Sở... có thể dễ dàng nhận thấy, tình trạng đẩy giá hàng hóa trong dịp Tết đã không xảy ra. Cụ thể, giá thịt gà, lợn và bò vẫn giữ giá như trước Tết hoặc tăng nhẹ hiện thịt gà trống chưa giết mổ giá 120.000 - 160.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg; thịt nạc vai 100.000 - 110.000 đồng/kg. Sườn 130.000 đồng/kg tăng 20.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại ngon khoảng 300.000 đồng/kg. Giá các loại hải sản cũng đã giảm từ 5 - 10% so với trước Tết Nguyên đán, tại chợ Kim Liên, tôm sú loại to giá từ 500.000 - 550.000 đồng/kg; sò huyết 90.000 - 100.000đồng/kg; ghẹ xanh 360.000 - 380.000 đồng/kg...
Mặc dù giá thực phẩm, hải sản tươi sống không tăng nhưng giá rau xanh nhích lên đôi chút. Cụ thể bắp cải 20.000 đồng/kg (tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với trước Tết); rau cần 10.000 đồng/mớ; cà chua 25.000 - 30.000 đồng/kg, rau muống khoảng 20.000 đồng/mớ... Theo nhận xét của các bà nội trợ, dù giá cả rau xanh có tăng cao hơn trước Tết, nhưng là mức chấp nhận được, so với những năm trước thì giá bán rau xanh thấp hơn, dễ mua hơn. Theo quy luật bắt đầu từ Mùng 5, Mùng 6 Tết trở đi hầu hết các chợ dân sinh, siêu thị sẽ mở cửa trở lại vì vậy, giá các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống sẽ có chiều hướng giảm.
Giá lương thực, thực phẩm trước và sau Tết không tăng giá đột biến, nhưng Bộ Công Thương cũng nhìn nhận: "Mặc dù nguồn cung thực phẩm ổn định nên giá nhu yếu phẩm sẽ không có biến động nhiều. Tuy nhiên, do khó dự báo được chính xác lượng khách tham gia lễ hội đầu xuân nên có thể sẽ xảy ra tình trạng biến động về giá đối với dịch vụ ăn uống tại điểm lễ hội tập trung quá đông khách thập phương tham gia Lễ hội" - lãnh đạo Bộ Công Thương cảnh báo.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng Tết tại Siêu thị Big C.
|