Vì sao giá hồ tiêu tăng “nóng”?
Ghi nhận tình hình thị trường nông sản ngày 19/3, giá hồ tiêu trong nước tiếp tục tăng sốc. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 77.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 74.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 79.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg. Tại Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 78.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg.
Như vậy, đầu giờ sáng nay giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm tiếp tục tăng 2.000 - 2.5000 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.
Giá hồ tiêu trong nước gần chạm mốc 80.000 đồng/kg trong ngày hôm nay (19/3) |
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 112,3 rupee/tạ ở mức 37.983,35 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 18/3/2021 - 24/3/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 319,7 VND/INR.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, do nhu cầu chế biến và tiêu thụ hồ tiêu tại một số thị trường như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ có xu hướng tăng, trong khi thị trường trong nước đang được các giới đầu cơ nội địa thu mua mạnh, khiến giá hồ tiêu tăng “nóng” từ khoảng từ tháng 2/2021 trở lại đây.
Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu thu mua hạt tiêu của các DN tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra khiến giá hạt tiêu tăng. Hiện tại đang là thời điểm các DN phải xuất hàng cho các hợp đồng đã ký nên gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá hồ tiêu lên cao.
Phơi khô hồ tiêu sau thu hoạch (Ảnh minh họa) |
Cân nhắc trước biến động giá hồ tiêu
Trước tình hình giá hồ tiêu tăng “chóng mặt”, mới đây, VPA đã tổ chức họp đột xuất Ban chấp hành mở rộng, gồm lãnh đạo Hiệp hội và đại diện hơn 30 DN xuất khẩu hồ tiêu trong nước và DN FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
VPA cho biết, thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay, cả nước thu hoạch bình quân khoảng 40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều.
Do giá tiêu trong nước tăng cao, một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil, hoặc từ các nhà thương mại Dubai vì giá hồ tiêu quốc gia này khá rẻ so với Việt Nam.
Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, VPA đã cảnh báo các DN xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi DN đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng, thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng. VPA đề nghị các DN cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.
Bài học nhãn tiền về giá hồ tiêu những năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó mức giá được đẩy lên gần 200.000 đồng/kg khiến nhiều người dân bỏ hết các loại cây khác để mở rộng trồng tiêu, thậm chí cầm cố vay ngân hàng để đầu tư cho cây hồ tiêu. Sau đó, nhiều hộ gần như mất trắng khi sang năm 2016 giá hồ tiêu lao dốc không phanh.
VPA cũng khuyến cáo người dân không vì giá tiêu tăng “nóng” những ngày gần đây mà vội vàng mở rộng diện tích bởi rất dễ dẫn đến rủi ro. Nông dân và các đại lý thu mua hồ tiêu cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không hái tiêu xanh khi thu hoạch, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống.
Niên vụ tiêu năm 2021 thu hoạch muộn hơn so với năm trước, dự kiến cuối tháng 4 mới thu hoạch xong (Ảnh minh họa) |
Hồ tiêu vẫn chủ yếu xuất thô, sức cạnh tranh thấp
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020 số lượng xuất khẩu giảm 25,3%, kim ngạch giảm 6,5% (tháng 2 là tháng trùng với thời gian nghỉ Tết Âm lịch, trùng thời điểm khan hiếm container và chi phí vận chuyển cao).
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở nội địa. Trong sản lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đã bao gồm sản phẩm tiêu chế biến của các DN chế biến, xuất khẩu.
Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: Tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: Tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Đáng nói, hiện nay, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành hàng hạt tiêu có 18 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 70.000 - 80.000 tấn/năm. Trong đó, có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, có sản phẩm chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Tỉ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,4%. Chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65% sản lượng.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, giải pháp căn cơ cho ngành hàng hồ tiêu là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển cây hồ tiêu bền vững.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu trong tháng 2/2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so tháng 1/2021 và tăng 31,4% so tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so cùng kỳ năm 2020. |