Già hóa dân số và những thách thức của nền kinh tế

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nhiều nước, người ta giàu rồi mới già thì tại Việt Nam chưa giàu đã già.  Trưa 6/9, bên lề hội thảo Khu vực châu Á - Thái Bình Dương “Những tác động kinh tế của già hóa dân số”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ thách thức khi Việt Nam gặp vấn đề này.

Già hóa dân số và những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 1Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH) đối với người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam trong những năm qua?

- Hiện nay, chúng ta đang rất cố gắng để thực hiện chính sách ASXH nhưng nhìn chung còn rất nhiều bất cập. Chẳng hạn nguồn lực hạn chế nên diện bao phủ ASXH còn hẹp, chỉ đối với người nghèo, người từ 85 tuổi trở lên. Mức hưởng thấp, từ năm 2016 mới nâng lên được 270.000 đồng/tháng/NCT. Một bộ phận người từ 65 - 70 tuổi ở nông thôn vẫn phải lao động để nuôi sống bản thân. Do đó, hệ thống an sinh cần phải phát triển hơn nữa.

Hiện nay, đối tượng NCT có bảo hiểm xã hội (BHXH) mới đạt tỷ lệ thấp. Còn rất nhiều NCT ở nông thôn, lúc còn trẻ khỏe làm việc ở khu vực phi kết cấu, nông nghiệp không tham gia BHXH, lúc tuổi già không có nguồn sống ổn định, vẫn dựa vào con cái. Nếu con họ có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp thì thực sự họ gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên, tới đây, chúng ta phát triển các chính sách BHXH, khuyến khích người dân tham gia ngay từ khi lúc còn trẻ, ở tuổi lao động để tăng diện bao phủ. Đối với BHYT, diện bao phủ khá cao, chung toàn quốc gần 75% nhưng đạt bao phủ toàn dân vào năm 2020. Bao trùm chung nhất, để đảm bảo ASXH cho người dân và đặc biệt là NCT, Bộ LĐTB&XH đang trình Chính phủ đề án đổi mới toàn diện hệ thống ASXH ở Việt Nam. Trong đó, bám vào mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo cho tất cả người dân có được mức sống tối thiểu về thu nhập và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu.

 Để tận dụng sức lao động và trí tuệ của NCT, nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng lại băn khoăn chuyện tham quyền cố vị?

- Việt Nam bắt đầu nghĩ đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số nhưng phải đảm bảo và tận dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của lớp người đã bắt đầu bước sang tuổi 60 đối với nam và trên 55 với nữ. Việc tăng tuổi làm việc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Đáp ứng nguồn nhân lực xã hội đặt ra; kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lớp trẻ có việc làm và cống hiến. Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải làm sao để đóng góp vào quỹ ASXH, BHXH vững vàng, ổn định. Tới đây, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải tính đến cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, có tính chất ngành nghề.

Sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước về vấn đề già hóa dân số?

- Các nước giàu rồi mới già, còn Việt Nam chưa giàu đã già. Như thế đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức. Riêng vấn đề ASXH, dịch vụ xã hội để đảm bảo chăm sóc cho NCT là một thách thức rất lớn. NCT ở Việt Nam có sức khỏe hạn chế, dù tuổi thọ xấp xỉ 75 nhưng 12 năm đau yếu, trong khi dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT chưa tốt. Hệ thống an sinh như BHXH, BHYT, đi lại, hưởng thụ văn hóa tinh thần... cũng là vấn đề phải bàn tiếp.

Xin cảm ơn ông!
Chiều 6/9, Bệnh viện Lão khoa T.Ư phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe NCT. Theo đó, ngoài việc phát triển các dịch vụ y tế cho NCT cần chú trọng vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại gia đình đối với NCT còn khỏe mạnh và chăm sóc toàn diện cho NCT đang điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, nên tạo cơ hội việc làm cho những NCT vẫn còn sức lao động; sớm triển khai “Bảo hiểm người già” hoặc “Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn” cho NCT. (Trần Nga)