Xã Chư Mố, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) những ngày này vào mùa dưa hấu chính vụ nhưng lượng thương lái và xe tải ra vào mua ít. Bên cạnh đó, trên những ruộng dưa vẫn chứng kiến gương mặt khắc khổ của nông dân thất thần vì một mùa dưa không thuận lợi.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông dân trồng dưa kỳ vọng vào giá và sản lượng. Tuy nhiên, giá bị rớt nặng, sản lượng bị giảm sâu do thời tiết lạnh kéo dài.
![Dưa hấu sau Tết trái nhỏ, không ngọt là nguyên nhân không xuất khẩu được bị ép giá.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/11/dua-hau-sau-tet-trai-nho-khong-ngot-la-nguyen-nhan-khong-xuat-khau-duoc-bi-ep-gia.jpg)
Có kinh nghiệm từ hơn 10 năm nay, khi mỗi mùa giáp Tết ông Trần Văn Bình (52 tuổi) lại từ Bình Định lên Gia Lai thuê đất trồng dưa phục vụ thị trường sau Tết. “Chưa năm nào tôi thấy tình hình tệ như năm nay. Đợt rét kéo dài khiến ruộng dưa phát triển chậm, quả nhỏ, năng suất chỉ còn khoảng 20-25 tấn/ha. Mọi người cứ nghĩ mất mùa thì giá dưa sẽ cao, ai ngờ giá dưa lại tiếp tục giảm", xoa đôi bàn tay chai sạm đầy nắng gió, ông Bình than thở.
Ông Bình cho biết, trước Tết giá trị trường ghi nhận dưa hấu ở mức 8.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 4.000 đồng/kg. Ruộng dưa của ông đã được thương lái đặt cọc 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khi thu hoạch xong, thương lái lại giảm giá, chỉ trả 160 triệu đồng/ha.
Cách không xa, gia đình anh Ksor Út (ngụ xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) huy động mọi thành viên trong gia đình cặm cụi thu hoạch dưa bán cho thương lái, nhưng trên gương mặt anh vẫn đầy nỗi lo.
Anh Út cho biết, "giá đã giảm sâu nên nếu thuê công thì gia đình đâu có lãi. Mình huy động người trong gia đình ra hái chỉ để gỡ gạc lại một mùa dưa không như ý muốn."
Năm nay gia đình anh Út trồng 2 ha dưa hấu với chi phí đầu tư khoảng 260 triệu đồng. Với giá hiện tại, gia đình chỉ mong hoà vốn hoặc lỗ một ít là thành công.
![Ksor Út buồn bã bên ruộng dưa hấu của gia đình.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/11/ksor-ut-buon-ba-ben-ruong-dua-hau-cua-gia-dinh.jpeg)
Một người khác tiết lộ lý do bị thương lái ép giá, dưa năm nay nhỏ ảnh hưởng thời tiết lạnh kéo dài, trái không ngọt nên bị ép xuống tới đáy.
Thêm một nguyên nhân khác là sức mua sau Tết giảm mạnh. Bên cạnh đó, quả dưa nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nên chỉ có thể tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, vụ Đông Xuân 2024-2025, khu vực Đông Nam tỉnh có khoảng 1.500ha dưa hấu và hiện dưa đang bước vào mùa thu hoạch.
![Thương lái phân loại dưa ngay đầu ruộng đem đi bán trong nước](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/11/thuong-lai-phan-loai-dua-ngay-dau-ruong-dem-di-ban-tong-nuoc.jpg)
Đối với địa bàn huyện Krông Pa, ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Năm nay, người dân trong huyện trồng hơn 1.000ha dưa hấu. Mùa vụ năm nay trồng muộn hơn so với các năm trước. Tại huyện Ia Pa, người dân đã trồng sớm và hiện đang vào vụ thu hoạch. Nhưng với giá như hiện nay, người trồng chắc chắn sẽ chịu lỗ".
Theo ông Châu, dưa hấu vốn ưa khí hậu nắng nóng, nhưng năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, trời lạnh kéo dài từ trước Tết đến nay khiến cây dưa phát triển kém và mắc nhiều bệnh. Năng suất bình quân chỉ đạt 15-20 tấn/ha, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, giá dưa hấu sau Tết giảm mạnh, chỉ còn từ 2.000-4.000 đồng/kg.
Thương lái Lê Thế Tùng cho biết, hiện nay ông cùng nhiều thương lái phải mua dè dặt chờ tín hiệu tích cực của thị trường. Đồng thời đàm phán lại giá cả, nếu không được thương lái phải bỏ cọc đi mua nơi khác...