Từ điểm du lịch Phù Đổng
Là địa phương có Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng với quần thể 10 di tích, có lễ hội Gióng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và làng nghề hoa giấy, những năm qua, xã Phù Đổng đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng du lịch văn hóa, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, học tập, trải nghiệm.
Nổi bật trong hoạt động khai thác phát triển du lịch ở Phù Đổng phải kể đến Khu sinh thái Phù Đổng Green Park. Tọa lạc trên diện tích hơn 15,6ha, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park được thiết kế gần gũi thiên nhiên với không gian thoáng đãng, trong lành, bao phủ bởi hệ thống cây xanh đến 90%.
Tại đây có các khu chính: khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên; khu trải nghiệm sinh thái dành cho công ty, DN tổ chức sự kiện và khu du lịch văn hóa kết nối với các di tích trên địa bàn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phù Đổng Green Park Nguyễn Xuân Hùng cho biết, trước đây, xã Phù Đổng phát triển mạnh về đàn bò sữa, lúc cao điểm cả xã có tới 3.000 con bò sữa, mỗi ngày thải ra 30 tấn phế thải, gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi thuê khu đất ở thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng, ông Nguyễn Xuân Hùng đã xây dựng trang trại nuôi giun quế, xử lý chất thải bò sữa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quy hoạch làm trang trại trồng hoa, cây ăn quả và xây dựng khu sinh thái để học sinh, du khách tham quan, học tập, trải nghiệm.
Với sự đầu tư tâm huyết, bài bản, năm 2022, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch đạt chất lượng OCOP 4 sao và được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đến nay, Phù Đổng Green Park trở thành điểm gắn kết chuỗi du lịch của địa phương với các điểm du lịch lân cận như Dương Xá, Bát Tràng, Ninh Hiệp. Hiện, Công ty đã phối hợp với hơn 50 đơn vị lữ hành tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ… để xây dựng và khai thác các tour, tuyến. Trung bình mỗi năm, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park đón khoảng 80.000 lượt khách.
Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, với lợi thế là quê hương của đức Thánh Gióng với hai di sản: lễ hội Gióng và Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, cùng với điều kiện tự nhiên có diện tích đất nông nghiệp rộng, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Phù Đổng đã định hướng phát triển kinh tế theo hướng du lịch tâm linh kết hợp với du lịch trải nghiệm, sinh thái vườn đồng.
Để thực hiện chủ trương này, Đảng ủy xã Phù Đổng đã có nghị quyết và các chương trình chuyên đề về thực hiện phát triển kinh tế du lịch.
Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, xã đã tổ chức các chương trình tuyên truyền du lịch cộng đồng để người dân thấy được giá trị và tự hào về các di sản của quê hương, từ đó làm tốt công tác quảng bá, đón tiếp du khách.
Xã cũng xây dựng các mô hình vườn đồng để tổ chức du lịch trải nghiệm cộng đồng, bảo đảm cho du khách tới đây ngoài việc tham quan lễ đền, chiêm bái đức Thánh còn được trải nghiệm những hoạt động nông nghiệp tại khu vực sinh thái, vườn đồng.
Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Ban quản lý di tích đền Phù Đổng thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích bảo đảm đúng quy định. Đồng thời bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên, người làm công tác phục vụ trong việc đón tiếp du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.
“Đánh thức” kho báu di sản
Huyện Gia Lâm là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử: là quê hương của đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương và đức Thánh Chử Đồng Tử, hai trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Gia Lâm gắn liền với tên tuổi của Hoàng thái hậu Ỷ Lan, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, “thánh thơ” Cao Bá Quát, Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn... Nơi đây còn là mảnh đất hiếu học, gắn liền với các làng khoa bảng Kim Sơn, Bát Tràng, Phú Thị…, có nhiều người đỗ đạt cao, được ghi danh trong văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cùng với những giá trị di sản văn hóa vật thể, huyện Gia Lâm còn bảo lưu 100 lễ hội truyền thống là giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, được lưu truyền, gìn giữ bởi cộng đồng qua các thế hệ.
Trong đó, lễ hội Gióng đền Phù Đổng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lễ hội đình Chử Xá, xã Văn Đức và lễ hội Keo, xã Kim Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm qua, huyện Gia Lâm luôn quan tâm tới việc đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Trong đó huyện quan tâm đặc biệt tới bảo tồn hệ thống di tích lịch sử hiện hữu và các di sản văn hóa phi vật thể làm nên hồn cốt của di sản, tạo dấu ấn riêng về mảnh đất Gia Lâm.
Để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa cũng như du lịch cộng đồng, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã xác định du lịch sẽ dần sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Do đó, ngay từ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tiếp đến là nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết, chỉ đạo xây dựng các đề án về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó, đối với mảng du lịch, ngoài du lịch làng nghề, huyện rất coi trọng và đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Đối với du lịch văn hóa, thời gian qua, huyện Gia Lâm đã đưa vào danh mục đầu tư 61 di tích với tổng kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng, đến nay đã có gần 50 di tích hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, huyện Gia Lâm cũng đã nộp hồ sơ đề nghị xếp hạng để nâng cấp các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, “đánh thức” kho báu di sản nhằm phát triển du lịch văn hóa ở địa phương.
Đối với du lịch cộng đồng, huyện Gia Lâm xác định là ngành kinh tế đặc thù vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước quản lý nhưng cộng đồng cư dân và tổ chức, cá nhân là các chủ thể thực hiện.
Do vậy, huyện đã tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân; đồng thời quan tâm tạo điều kiện để cộng đồng tham gia trực tiếp vào việc xây dựng các khu trải nghiệm, như: tại xã Phù Đổng có Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, hay trải nghiệm vườn đồng đối với cánh đồng hoa giấy.
Tại xã Dương Xá có hoạt động trải nghiệm đối với cánh đồng sạch. Tại xã Bát Tràng có trải nghiệm thực hành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gốm sứ…
Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm xác định tiếp tục đầu tư nâng cấp chất lượng các điểm du lịch của huyện đã được TP công nhận, đó là 3 điểm du lịch Phù Đổng, Bát Tràng và Dương Xá.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư để phát triển thêm 2 điểm du lịch là Văn Đức, Kim Lan; tương lai xa nữa là điểm du lịch Ninh Hiệp. Ngoài việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch, huyện Gia Lâm tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, nhằm khai thác hiệu quả các tài nguyên văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Gia Lâm còn lưu giữ 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, 153 di tích được xếp hạng cấp Bộ VHTT&DL và TP; nhiều di vật, cổ vật quý hiếm liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của kinh đô như: đôi sư tử đá, khám thờ gỗ tại đền - chùa Bà Tấm, tượng Phật bà Quan Âm ở chùa Đào Xuyên, được công nhận là bảo vật quốc gia.