Quan tâm đời sống người dân
Theo báo cáo của Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 huyện Gia Lâm, tính từ ngày 5/7 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 10 trường hợp F0 (ở xã Bát Tràng); 97 trường hợp F1, 633 F2. Riêng tại ổ dịch xã Bát Tràng (với 10 F0), hiện đã rà soát được 39 F1, 177 F2 (qua lấy mẫu xét nghiệm nhanh đều có kết quả âm tính).
Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, ngoài việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách thực chất, chủ động, quyết liệt, tập trung cao độ, đồng bộ các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-HU về tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo phòng Lao động thương binh và xã hội rà soát, thống kê thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Huyện cũng thành lập 6 đoàn kiểm tra công tác triển khai, thực hiện phòng chống dịch các xã, thị trấn, các điểm tiêm chủng vaccine; 3 đoàn kiểm tra khu, cụm công nghiệp, công ty, doanh nghiệp, chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Đến nay, Trung tâm VHTT&TT đã tăng cường 4 chương trình phát thanh/ngày, phát 265 lượt tin, bài, tài liệu; tổ chức 48 lượt tuyên truyền lưu động trên địa bàn huyện; dựng 3 cụm pano, 230 áp phích tuyên truyền trực quan về phòng, chống dịch Covid-19 tại trụ sở huyện, các trục đường trung tâm và tại các xã, thị trấn. Các xã, thị trấn cũng thực hiện phát thanh 4 lượt/ngày và tổ chức tuyên truyền lưu động trên các trục đường chính của địa phương.
Đã tiêm được 20.232 liều vaccine cho người dân
Đối với việc triển khai các chốt kiểm soát dịch, đến nay, các xã, thị trấn giáp ranh các tỉnh/thành lân cận đã lập 545 chốt trong đó 5 chốt của TP, 3 chốt của huyện, 537 chốt xã, thị trấn. Các chốt bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng có nhiệm vụ đo thân nhiệt, kiểm soát người ra vào các thôn, tổ dân phố trên địa bàn đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thực hiện kỷ cương phòng dịch, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Từ ngày 24/7 đến 1/8, lực lượng chức năng đã xử phạt tổng số 230 trường hợp với số tiền 376 triệu đồng (trong đó 42 trường hợp không đeo khẩu trang, 183 trường hợp ra ngoài không cấp thiết, 5 cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng rong).
Đối với công tác phòng chống dịch trong cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện chỉ đạo phòng Kinh tế, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và UBND các xã, thị trấn kiểm tra việc xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đảm bảo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến” và ký cam kết phòng chống dịch. Hiện trên địa bàn huyện có 5 cụm công nghiệp và 1.366 doanh nghiệp, trong đó 1.019 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 347 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tại các chợ trên địa bàn, bắt đầu từ ngày 30/7 đã thực hiện việc phát phiếu vào chợ theo nguyên tắc cách nhật (ngày chẵn, ngày lẻ) đảm bảo hạn chế tối đa người ra đường. 100% các xã, thị trấn đã thực hiện phát phiếu cho người dân đi chợ. Công tác tiêm vaccine trên địa bàn huyện được triển khai đầy đủ, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đến nay, toàn huyện đã tiêm được 20.232 liều.
Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện một cách thực chất và đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch; đồng thời rà soát, lập danh sách các đối tượng theo công văn số 2245/UBND-YT để chuẩn bị cho việc tiêm vaccine đại trà tiếp theo. UBND các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn về phòng chống dịch theo quy định. Nếu không đủ điều kiện theo phương châm “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” dứt khoát cho dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, kiên quyết giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm. Kiểm soát người ra vào chợ, thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt những tiểu thương từ nơi khác đến buôn bán.