Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia Lâm tổng kết 5 năm thực hiện đề án quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/11, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam; tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”; 2 năm thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, giai đoạn 2019-2020. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động tham dự buổi lễ.

 Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 320 di tích, trong đó, 173/320 di tích đã được xếp hạng, đạt 54% (1 Khu di tích Quốc gia đặc biệt gồm 10 điểm; 64 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 83 di tích được xếp hạng cấp TP; 16 địa điểm gắn biển di tích cách mạng kháng chiến).
Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”, đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã thực hiện kiểm kê các hiện vật được 187 di tích trên địa bàn, đạt 58,7% tổng số di tích của huyện, đạt 187% chỉ tiêu Đề án. Huyện cũng đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 197/218 vị trí đất tín ngưỡng, đạt 90% số lượng và đạt 562% so với chỉ tiêu Đề án. Hiện tại, huyện đang tiến hành rà soát, hoàn thiện hồ sơ các di tích còn lại.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, huyện Gia Lâm đã tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý di tích; lập bảng giới thiệu di tích, thần tích các vị thần được thờ tại di tích. Đến nay, 173 di tích xếp hạng các cấp đã có bảng giới thiệu tuyên truyền, đạt 100%, bằng 346% chỉ tiêu Đề án. Đồng thời, tổ chức dập, dịch văn bia và tư liệu Hán Nôm tại các di tích phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di sản. Đến nay, huyện đã thực hiện dập, dịch văn bia và tư liệu Hán Nôm tại 50 di tích tiêu biểu xếp hạng Di tích Quốc gia tại các xã, đạt 100% chỉ tiêu Đề án.
 Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đặc biệt, huyện đã ra mắt cuốn sách ảnh “Gia Lâm- Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hóa” đúng vào dịp kỷ niệm 14 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11); biên soạn cuốn sổ tay du lịch Gia Lâm “Gia Lâm- điểm đến của bạn bè bốn phương”.
Đáng chú ý, UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với 2 nhóm gồm 3 hiện vật tại Đền-chùa Bà Tấm, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nâng tổng số Bảo vật quốc gia trên địa bàn huyện lên 4 hiện vật. Ngoài ra, nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Sau 2 năm thực hiện kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, giai đoạn 2019-2020, du lịch Bát Tràng đã có những bước phát triển vượt bậc. Cơ sở vật chất của xã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Sau khi Bát Tràng được công bố là Điểm du lịch vào tháng 10/2019, lượng khách trong nước và quốc tế đến với đến phương này đã tăng gấp đôi. Đáng chú ý, huyện đã ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư “Du lịch thông minh”; lắp đặt wifi miễn phí; duy trì và khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử tổng hợp Bát Tràng; phát triển 2 “Trung tâm thông tin du lịch Bát Tràng, Giang Cao”.
Cùng với đó, đã hình thành các tour 1 ngày, 1/2 ngày, 2 giờ du lịch Bát Tràng kết hợp với các vùng, điểm du lịch phụ cận một cách chuyên nghiệp và hiệu quả; tổ chức khai trương điểm giới thiệu, quảng bá OCOP gắn với du lịch nông thôn TP năm 2020 tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng…
Tại lễ kỷ niệm, UBND huyện Gia Lâm đã khen thưởng 28 tập thể, 26 cá nhân đã có thành tích trong 5 năm thực hiện Đề án.