Giá lợn hơi hôm nay 5/7/2021: Giải pháp giúp nông dân chăn nuôi lợn bền vững?

Minh Anh/Tiêu dùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận giá lợn hơi hôm nay 5/7, trên cả 3 miền đồng loạt đi ngang so với hôm qua. Hiện giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 56.000 - 66.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá lợn hơi ở mức 65.000 - 66.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Tuyên Quang giá heo hôm nay được thu mua với mức thấp 62.000 - 64.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 62.000 - 66.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình giá lợn hơi hôm nay ở mức 64.000 - 66.000 đồng/kg.
Các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giá lợn hôm nay được thu mua với mức 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk giá lợn hơi hôm nay ở mức thấp nhất toàn miền 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 57.000 - 66.000 đồng/kg.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Giá lợn hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang giá lợn hơi hôm nay được thu mua với mức 60.000 - 62.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre giá lợn hôm nay đang ở mức 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 56.000 - 62.000 đồng/kg.
Giải pháp giúp nông dân chăn nuôi lợn bền vững
Với tổng diện tích 2ha, trong đó diện tích chuồng nuôi 3.500 m2, trang trại của anh Trần Văn Hùng, thôn Phủ Yên I, xã Yên Lập (Vĩnh Phúc) hiện có 80 lợn nái, 2.000 lợn thịt, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hùng cho biết: “Từng làm nông nghiệp, nuôi chim, nuôi lợn nhỏ lẻ nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám.
Sau khi nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết hiệu quả của hình thức chăn nuôi lợn khép kín và lợi ích của liên kết trong sản xuất, năm 2015, tôi đã đầu tư, xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi gia công liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty CP)”.
Với mô hình chăn nuôi này, trang trại của anh Hùng được Công ty CP cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh và đầu ra.
Người chăn nuôi chỉ phải bỏ vốn xây dựng chuồng trại, công lao động, chi phí điện, nước và được hưởng lợi theo số cân khi lợn xuất chuồng với giá hiện nay 4.400 đồng/kg.
Nhờ hỗ trợ kịp thời từ phía công ty về mặt kỹ thuật, trong hơn 5 năm, trang trại của anh Hùng chưa một lần để dịch bệnh bùng phát; đặc biệt gần như không chịu ảnh hưởng của bão giá, doanh thu của trang trại luôn ổn định, đạt mức bình quân 2,5 tỷ đồng/năm.
Lựa chọn hướng đi khác với anh Hùng, tự chăn nuôi, tự lo đầu ra cho sản phẩm, song nhờ chủ động nguồn thức ăn, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hiện nay, gia đình anh Khổng Văn Dũng, xã Quang Sơn (Lập Thạch) cũng “phất” lên từ chăn nuôi lợn.
Anh Dũng chia sẻ: "Từ năm 2018, gia đình tôi đầu tư máy móc, mua nguyên liệu tự sản xuất cám; nhờ đó, chi phí cho thức ăn chăn nuôi giảm đáng kể so với việc sử dụng thức ăn công nghiệp bán sẵn.
Vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua không tác động quá nhiều đến hoạt động của trang trại. Với việc áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn lợn còn có sức đề kháng tốt, hạn chế dịch bệnh. Chỉ với 50 lợn nái và 300 lợn thịt mỗi lứa, năm 2020, gia đình tôi thu về gần 2 tỷ đồng".