Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi vẫn gặp khó

Bích Hời - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tháng 10 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng mạnh, tại nhiều tỉnh phía Bắc đã vượt 60.000 đồng/kg, chạm mốc gần 70.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam có nơi đã đạt 60.000 đồng/kg. Mặc dù giá lợn hơi tăng, song người chăn nuôi vẫn đứng ngồi không yên vì nỗi lo dịch bệnh và chưa thể tái đàn.

Lợn hơi chạm mốc gần 70.000 đồng/kg

Theo báo cáo thông tin thị trường mới nhất của Bộ Công Thương, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động ở mức 60.000 - 68.000 đồng/kg. Mức giá này so với cuối tháng 9/2019, giá lợn trên cả nước tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Hưng Yên, Thái Bình tăng mạnh lên 64.000 đồng/kg. Tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc có nơi báo giá lên tới 65.000 đồng/kg. Cá biệt tại Cao Bằng, giá lợn hơi ghi nhận tại nhiều hộ chăn nuôi được thương lái trả tới 68.000 đồng/kg.

Giết mổ lợn theo quy trình khép kín tại Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai).

Giá lợn hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tăng mạnh. Do tình hình dịch tả lợn châu Phi ở khu vực miền Trung vẫn đang căng thẳng, việc vận chuyển lợn hơi được các địa phương kiểm soát chặt, nên giá lợn hơi tại khu vực này vẫn đang thấp nhất cả nước, song so với cuối tháng 9/2019 cũng đã tăng tới hơn 10.000 đồng/kg.

Cụ thể, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa giá lợn hơi hiện dao động trong khoảng 58.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 13.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2019, cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Tại Quảng Bình, Quảng Trị, giá lợn hơi cũng đang dao động từ 52.000 - 55.000 đồng/kg. Một số tỉnh khác giá vẫn dưới 50.000 đồng/kg do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.

Còn tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi ở các địa phương đa phần đã tăng lên mốc 56.000 - 60.000 đồng/kg, một số ít tỉnh giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 47.000 - 55.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ở Vũng Tàu tăng mạnh lên 60.000 đồng/kg; Tiền Giang giá cũng tăng lên 57.000 đồng/kg. Tại Bến Tre, Đồng Nai giá tăng lên 55.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu giá lợn hơi tăng lên 47.000 đồng/kg, Long An tăng lên 49.000 đồng/kg; An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang đồng loạt tăng tương tự lên 46.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh Tây Ninh, Hậu Giang tăng lên 47.000 đồng/kg. Công ty chăn nuôi lợn CP miền Nam cũng thông báo điều chỉnh giá lợn tăng lên 56.000 - 56.500 đồng/kg.

Thị trường tiếp tục ghi nhận chuỗi tăng giá kéo dài trong nhiều ngày qua. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, với mức giá thu mua như hiện nay và đà tăng vẫn chưa dừng lại, khả năng giá lợn sẽ chạm mốc 70.000 đồng/kg. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả lợn châu Phi vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi, số lượng tiêu hủy ngày một nhiều, tổng đàn lợn bị giảm mạnh.

Giá thịt lợn tại chợ "phi mã"

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang tăng chóng mặt đã kéo theo giá thịt lợn tại các chợ cũng đua nhau tăng mạnh. Khảo sát thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, giá thịt lợn tại một số chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn đều tăng mạnh.

Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi vẫn gặp khó - Ảnh 2
Giá thịt lợn ở Co.opmart và một số siêu thị vẫn ổn định với giá bán từ gần 70.000 - 120.000 đồng/kg. Tại các chợ đã tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.

Cụ thể, thịt sấn, bắp giò tăng từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/kg. Thịt nạc thăn tăng từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 - 130.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ tăng mạnh nhất từ 80.000 - 90.000 đồng lên 120.000 đồng/kg. Sườn cả cục tăng từ 80.000 - 90.000 đồng lên 100.000 - 110.000 đồng/kg. Sườn thăn không cục tăng từ 100.000 - 110.000 lên 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy chợ.

Bà Loan kinh doanh thịt lợn tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: Mấy ngày nay thịt lợn tăng giá vùn vụt. Có những ngày sáng lấy thịt một giá, chiều một giá. Lợn móc hàm đầu tháng 10 chỉ khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, đến nay đã tăng lên 85.000 đồng/kg. Còn tại chợ Thành Công, nhiều tiểu thương cho biết, giá mua buôn tại lò mổ đã 90.000 đồng/kg nên giá bán ra cũng tăng theo. Hiện, giá thịt ba chỉ, sườn đang bán 140.000 đồng/kg, thịt mông, nạc vai 130.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần, giá các sản phẩm thịt lợn tại các chợ đã tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo loại. Tại một số siêu thị như: Co.opmart, Big C, giá bán thịt lợn khá ổn định hơn. Nguyên nhân là do các đơn vị này đã ký hợp đồng với nhà phân phối cung ứng ổn định giá vào siêu thị từ nhiều tháng qua.

Về phía người tiêu dùng, thịt lợn tăng giá vùn vụt, khiến không ít người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn mua các thực phẩm khác như thịt gia cầm, thịt bò, cá.

Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi vẫn gặp khó - Ảnh 3
Tổng đàn lợn của Quốc Oai đã giảm mạnh từ 65.200 con vào cuối năm 2018 xuống còn 38.000 còn thời điểm hiện tại.

Người chăn nuôi vẫn gặp khó do chưa thể tái đàn

Mặc dù giá thịt lợn tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội tăng mạnh nhưng người chăn nuôi vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Đơn cử như ở huyện Quốc Oai, những năm gần đây, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện liên tục giảm. Từ trên 78.660 con năm 2015 giảm xuống còn trên 65.200 con vào cuối năm 2018.

Sản lượng lợn hơi cũng giảm từ gần 17.500 tấn năm 2015 xuống còn 15.780 tấn vào cuối năm 2018. Đại diện phòng Kinh tế - huyện Quốc Oai cho hay, tính riêng từ tháng 4/2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của Quốc Oai tiếp tục giảm mạnh, hiện chỉ còn 38.000 con. Ước tính năm 2019, toàn huyện chỉ đạt khoảng 4.250 tấn lợn hơi.

Đáng nói, đến nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện bị dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Giám đốc Hợp tác xã Đông Hạ (xã Đông Yên, Quốc Oai) Bùi Văn Đông chia sẻ, hiện cả 5 trại chăn nuôi của hợp tác xã đều phải đóng cửa không thể có vốn tái sản xuất.

"Nông dân đã thế chấp cả đất đai nhà cửa để vay vốn mỗi hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi trước đó, trong khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành đã khiến mỗi trại chăn nuôi buộc tiêu hủy từ 500 - 1.000 con" - ông Đông phân trần.

Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi vẫn gặp khó - Ảnh 4
Mô hình chuyển đổi nuôi lợn sang nuôi chim câu thành công của gia đình anh Kiều Duy Quyết, thôn Đông Hạ, Đông Yên.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Yên Trần Anh Đặng, toàn xã có 938 hộ chăn nuôi. Sau khi xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi, đến nay đã có 428 hộ chăn nuôi lợn bị tiêu hủy, khiến tổng số đàn lợn của xã giảm tới 40%. Thời gian gần đây khi giá thịt lợn tăng cao lên 70.000 - 75.000 đồng/kg lợn móc hàm nhưng xã vẫn khuyến cáo nông dân không nên tái đàn khi diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.

"Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp khiến người chăn nuôi chưa thể tái đàn, xã đã khuyến cáo bà con chuyển sang các mô hình chăn nuôi khác như: Gia cầm, ếch, chim... nhằm đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, các mô hình chuyển dịch này chưa phát triển nhiều và chủ yếu vẫn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư" - ông Đặng nói.