Giá lợn hơi tăng mạnh nhưng không nên tái đàn ồ ạt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2 tháng qua, giá lợn hơi trên thị trường tăng mạnh là tín hiệu vui cho người chăn nuôi với cơ hội tái đàn thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, tái đàn phải có kiểm soát, bởi sức mua sẽ không tăng tương thích nếu các trại tăng đàn ồ ạt.

Giá lợn hơi tăng, giá thịt lợn mảnh ở mức cao

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, giá lợn hơi trên cả nước đều tăng. Tại miền Bắc, giá dao động trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023.

 Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại siêu thị Winmart ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
 Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại siêu thị Winmart ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi được các thương lái thu mua trong khoảng 58.000 - 62.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023. Tại miền Nam, giá lợn hơi 58.000 - 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 7/2023.

Cùng ngày, ghi nhận của phóng viên tại các chợ trên địa bàn Hà Nội thấy rõ, giá thịt lợn dù có giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chị Nguyễn Thị Huyên, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại so với thời điểm cách đây 2 tuần.

Thịt lợn (móc hàm) chị Huyên nhập ở lò mổ tại Chương Mỹ đang dao động ở mức giá  85.000 – 89.000 đồng/kg, do đó, giá thịt lợn (mảnh) cũng giảm nhẹ. Cụ thể, sườn non, ba chỉ có giá 135.000 đồng/kg; bắp giò, nạc vai có giá 130.000 đồng/kg; mông sấn 110.000 - 120.000 đồng/kg.

Theo một số tiểu thương tại chợ Thành Công, Phùng Khoang… giá lợn hơi sau chuỗi này tăng mạnh, những ngày gần đây có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ dao động từ 60.000 – 64.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, giá thị lợn mảnh bán tại chợ, siêu thị xung quanh mức 120.000 – 135.000 đồng/kg vẫn là mức giá cao.

Báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, từ quý II/2023, giá lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại, mức giá cao nhất là 66.000 đồng/kg. Đây được ghi nhận là mức giá cao nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp Hè khi các nhà hàng, khách sạn hoạt động trở lại.

Giá lợn hơi tăng mạnh là cơ hội cho người chăn nuôi tái đàn. Ảnh minh họa
Giá lợn hơi tăng mạnh là cơ hội cho người chăn nuôi tái đàn. Ảnh minh họa

Lý giải về nguyên nhân lợn hơi tăng giá, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết: mức giá lợn hơi hiện tại cũng phản ánh được bản chất của vấn đề cung – cầu. Đó là sức mua của người dân đã tăng trở lại; nguồn cung giảm đi do nhiều người chăn nuôi bỏ trống chuồng vì dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.

“Đây là quy luật tất yếu của thị trường. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực để giúp người chăn nuôi lợn tái đàn cũng như ngành chăn nuôi có điều kiện để tái đầu tư. Bởi, chăn nuôi lợn đã thua lỗ trong một thời gian dài” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Tái đàn lợn có kiểm soát

Nhiều chuyên gia dự báo, giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ duy trì đi ngang hoặc tăng nhẹ, dao động ở khoảng 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi lợn cầm chắc lãi. Bởi, đến giời điểm này, giá thành chăn nuôi lợn vẫn nằm quanh mức trung bình 50.000 đồng/kg, nên với giá lợn hơi bán ra đạt 65.000 đồng/kg, các trang trại vẫn có lãi.

 

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2023, tổng đàn lợn của cả nước khoảng hơn 28 triệu con, tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022.

Để chăn nuôi an toàn, ông Nguyễn Xuân Dương khuyến cáo, người chăn nuôi cần khôi phục và tái đàn có kiểm soát, không nên tăng đàn ồ ạt. Bởi sức mua sẽ không tăng tương thích nếu các trại tăng đàn ồ ạt.

Về phía nhà nước nên cấm hoàn toàn nhập lậu, cũng như kiểm soát nhập khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm chăn nuôi nói chung. Việc này vừa đảm bảo sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đáp ứng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo sản chơi công bằng cho chăn nuôi trong nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi từ nay đến cuối năm tập trung nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở giống lợn. Cùng với đó, tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi trên cơ sở dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.

Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Cục Thú y và đơn vị liên quan trong triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng. Ngoài ra, cần tăng cường kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao, bảo đảm về chất lượng thức ăn chăn nuôi.