Giá lợn “leo thang” từng ngày
Sau một thời gian dài loanh quanh ở mức 55.000 đồng/kg, khoảng 2 tuần nay giá lợn hơi bật tăng lên mốc trên 70.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn tại khu vực miền Bắc ngày 19/7 dao động 70.000 - 75.000 đồng/kg; khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động 63.000 - 70.000 đồng/kg; trong khi đó, tại miền Nam, dao động từ 62.000 đến 68.000 đồng/kg.
Dù giá lợn tăng đột biến trở lại sau một thời gian dài trầm lắng nhưng nhiều chủ trang trại cho biết họ vẫn chưa có lãi nhiều. Sở hữu trang trại hơn 500 con lợn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng mạnh, trang trại đã bán với giá 72.000 đồng/kg.
''Với giá thịt lợn hiện tại, người chăn nuôi bắt đầu có lãi ít, nhưng chưa vui được, bởi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó đối với các trang trại chăn nuôi như chúng tôi, hiện tại chưa có lãi là bao” - ông Nguyễn Đình Tường chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tường, vì chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên thời gian qua nhiều chủ trang trại, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ e ngại việc tái đàn, giảm số lượng con trong mỗi lứa để giảm bớt gánh nặng chi phí. Điều này khiến số lượng lợn nuôi trong dân giảm sút.
Lý giải do khiến giá lợn tăng sốc trong thời gian qua, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho rằng, giá lợn hơi tăng thời gian qua là bình thường và hợp lý, vì giá thành chăn nuôi tăng rất cao. Hiện kinh tế đã phục hồi trở lại, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể đều quay lại kinh doanh, do đó nhu cầu thịt lợn tăng cao.
Mặt khác, việc lợn hơi tăng giá sốc nằm trong xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, thị trường thịt lợn sôi động hơn do giá thịt lợn tăng mạnh so với thời điểm thấp nhất hồi tháng 3/2022. Giá lợn hơi trung bình trong tuần cuối tháng 6/2022 là 16,64 CNY/kg (tương đương 2,36 EUR/kg); tăng khoảng 43% so với giữa tháng 3/2022 và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường EU, giá thịt lợn ở Tây Ban Nha trong tuần đầu tháng 6/2022 tăng 2 cent/kg và tại Bỉ tăng 4 cent/kg, trong khi các nước còn lại tại thị trường này ổn định ở mức 1,80 USD/kg. Nguồn cung lợn hơi đủ đáp ứng nhu cầu chế biến.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá bán lẻ ở các chợ truyền thống cũng tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg trong hơn 10 ngày qua, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng trong thời buổi thắt chặt chi tiêu. Cụ thể, giá thịt lợn bán lẻ dao động quanh mốc 110.000 - 140.000 đồng/kg.
Bà Phạm Thị Bích - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội thông tin, hiện nay giá lợn mảnh nhập tại lò mổ tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg theo từng ngày. Vì thế, bà Bích cũng như các tiểu thương khác phải tăng giá bán lẻ.
“Trong giai đoạn hiện nay, việc giá lợn tăng gây rất nhiều khó khăn cho tiểu thương, bởi trong thời bão giá, nên sức mua tại chợ hiện khá chậm. Lượng hàng tôi bán ra hàng ngày đã giảm khoảng 20%” - bà Phạm Thị Bích chia sẻ.
Không lo thiếu nguồn cung
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 6/2022, tổng đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt khoảng 28 triệu con; gần bằng số lượng thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (2/2019). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2.116,3 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2022 đạt 1.075,3 nghìn tấn, tăng 7,1%). Như vậy, đàn lợn đã phục hồi mạnh giai đoạn 2020 - 2021 sau thời gian bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.
Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) Nguyễn Quốc Lân cho biết, xu hướng tiêu dùng thịt lợn tại Việt Nam giảm dần, tăng lên ở các loại thực phẩm khác, một phần nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 trong thời gian dài, đồng thời một phần cũng do sự thay đổi thói quen người tiêu dùng. Đây là tín hiệu tốt để giảm áp lực đối với sự biến động của thị trường thịt lợn.
Ngày 10/6/2022, Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos công bố kết quả nghiên cứu về thị trường thịt lợn Việt Nam năm 2022, cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam ít hơn so với 5, 6 năm trước. “Nguồn cung thịt lợn hiện vẫn được đảm bảo, cộng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ ổn định ở mức thấp” - ông Nguyễn Quốc Lân dự báo.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65 - 70% trong giá thành sản xuất thịt lợn. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 5 lần tăng giá, tương đương tăng khoảng 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...)
Trước áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần đưa ra những giải pháp có tính lâu dài, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn. Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, nếu không tình trạng giảm đàn, bỏ chuồng sẽ còn tiếp diễn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mặc dù giá thịt lợn đang có xu hướng tăng nhưng người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp; tính toán để đảm bảo cân đối đầu ra và sản xuất, tránh thừa cung.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh có thể phát sinh trên đàn vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế... Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước cần có giải pháp lâu dài về quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước (ngô, đậu tương...), hạn chế bớt phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp ổn định giá thức ăn chăn nuôi.