Một trong các thủ đoạn đối tượng sử dụng thành công đó là làm giả giấy tờ liên quan đến việc tuyển dụng để tạo sự tin tưởng. Nhiều nạn nhân nhẹ dạ đã mất hàng trăm triệu đồng khi tin tưởng những tờ giấy vô giá trị này.
Đầu tháng 9/2016, Công an TP Hà Nội vừa điều tra làm rõ vụ án lừa đảo xin việc vào Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Công ty Viettel). Đồng thời, ra quyết định khởi tố Trịnh Hải Anh (SN 1985, trú tại tỉnh Hà Nam) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, cơ quan công an tiếp nhận thông tin của bị hại trình báo về việc bị Hải Anh, giới thiệu là nhân viên ở Công ty Viettel, lừa đảo chiếm đoạt tiền. Tiến hành điều tra, xác minh, các trinh sát làm rõ Hải Anh không làm tại Công ty Viettel. Các giấy thông báo tiếp nhận thử việc do người bị hại cung cấp không phải là văn bản của Viettel. Tại cơ quan công an, Trịnh Hải Anh khai nhận bản thân không có khả năng xin việc cho mọi người vào Viettel. Sau khi nhận tiền của bị hại, Hải Anh sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Để có được các quyết định, thông báo tiếp nhận làm việc giả mạo, Hải Anh đã nhờ một người khác tạo ra các văn bản giả trên máy tính. Đối tượng này đã sử dụng phần mềm photoshop, bóc tách hình dấu, hình chữ ký của Công ty Viettel để tạo ra 14 văn bản các loại như quyết định, thông báo tiếp nhận, thông báo thử việc... Các văn bản này được tạo bằng phương pháp in phun màu. Với thủ đoạn này, đối tượng đã lừa chiếm đoạt tổng số tiền hơn 330 triệu đồng của nhiều cá nhân.
Tương tự thủ đoạn này, đối tượng Tăng Thị Hường (SN 1975, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã lừa đảo 6 bị hại với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng. Trước khi lừa đảo, Hường thường bỏ công tìm hiểu kỹ các đơn vị mà đối tượng đang hướng tới “xin việc” cho các nạn nhân. Sau đó đối tượng thuê người làm giả một số loại giấy tờ như giấy báo nhập học, quyết định tuyển dụng, thông báo làm thẻ bảo hiểm y tế... Với những thông tin và giấy tờ giả mạo do Hường cung cấp, mỗi nạn nhân đều đưa cho đối tượng từ 80 – 400 triệu đồng. Đầu năm 2016, Hường đã bị Tòa án tuyên phạt 12 năm tù giam.
Theo xác định của cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo nêu trên đều không có việc làm ổn định và thường nhanh chóng tiêu sài hết số tiền vừa chiếm đoạt được. Vậy, người chịu thiệt thòi vẫn là các bị hại trong vụ án. Để phòng, tránh các trường hợp tương tự, cơ quan công an khuyến cáo người lao động nên tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín, trực thuộc các cấp có thẩm quyền như quận, huyện, Sở LĐTB&XH… quản lý hoặc trực tiếp các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, để được tư vấn kỹ các loại hình công việc tùy theo trí tuệ, sức lao động. Quan trọng hơn, người dân sẽ tránh rơi vào những cái bẫy của tội phạm lừa đảo xin việc làm, giăng mắc ở khắp mọi nơi trong xã hội.