Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá mặt bằng cho thuê tiếp tục giảm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 tháng cuối năm 2020, và nửa đầu tháng 1/2021, phân khúc mặt bằng tuy tăng trưởng ổn định, nhưng giá thuê có xu hướng giảm, nhất là trong thời gian tới khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Khách tham khảo thông tin một dự án tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trong hơn 3 tháng qua, mặt bằng bán lẻ cho thuê ghi nhận có thêm trên 50.000m2 sàn mới được bổ sung cho thị trường trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm tới 80%. Số liệu khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam, giai đoạn cuối năm 2020, và nửa đầu tháng 1/2021, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ vẫn tăng trưởng ổn định, đặc biệt là mặt bằng khối đế tại các tòa nhà chung cư. Khu vực trung tâm, mặc dù giá thuê cao nhất thị trường, nhưng tỷ lệ lấp đầy luôn đạt 100%, hầu như không có mặt bằng để cho thuê, mặc dù nhu cầu thuê mặt bằng tăng, nhưng giá thuê lại ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm 2019.
“Giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng một tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đạt 24,53 USD/m2/tháng, giảm 1,5% so với năm 2019 và giảm 0,78% so với quý IV/2019. Tỷ lệ trống vẫn duy trì ở mức cao và có xu hướng gia tăng chiếm khoảng 11,15%, cao hơn 1,37% theo quý và 2,93% theo năm” – Giám đốc CBRE Việt Nam Nguyễn Hoài An cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phân khúc khác của thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và khối đế chung cư nói riêng có dấu hiệu phục hồi tốt. Đặc biệt, hoạt động bán lẻ truyền thống sẽ trở lại mạnh mẽ trong dịp mua sắm cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm 2021, phân khúc mặt bằng bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, hơn 80% nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới sẽ ở các khu vực ngoài trung tâm, khi người tiêu dùng đối mặt với việc mất thu nhập và gia tăng sự không chắc chắn, các nhà phát triển đang trì hoãn việc ra mắt các sản phẩm mới.

Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths cho biết, mặt bằng bán lẻ đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay thì thương mại điện tử có nhiều lợi thế hơn. Google Temasek dự đoán giá trị giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam có thể tăng trưởng 43% theo năm, lên 15 tỷ USD vào năm 2025 nhờ vào 66% dân số là người dùng internet thường xuyên và 72% có điện thoại thông minh. Khi thương mại điện tử phát triển, các dịch vụ giao hàng cũng vậy, đặc biệt các siêu thị như Coopmart, Vinmart cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà. Sự tăng trưởng nhanh chóng này còn ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, 64% người được hỏi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng trong khi 63% sẽ tăng cường mua sắm trực tuyến.

“Từ quý III/2020 nhiều khách thuê ngành F&B và thời trang đã đóng cửa hoặc giảm diện tích thuê. Xu hướng giảm quy mô này có khả năng tiếp tục trong trung hạn. Những đơn vị vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh để đưa mặt bằng bán lẻ ra thị trường như dự định sẽ có thể gặp khó khăn với việc các thương hiệu nước ngoài tạm ngừng gia nhập thị trường và các DN đã thành lập hoãn lại kế hoạch mở rộng. Tuy nhiên, giá thuê thấp hơn có thể sẽ tạo động lực cho ngành trong khi các nhà bán lẻ truyền thống sẽ cần phải đổi mới các chiến lược phù hợp hơn” – ông Troy Griffiths nhận định.