Hiện nay, cau non ở ĐBSCL đang được nhà vườn bán cho thương lái đến thu mua với giá 5.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn và một số người dân đi thu gom cau non bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc cho rằng, việc giá cau non luôn cao gấp đôi so với cau già trong thời gian qua là điều bất thường. Do vậy, nhiều nhà vườn cũng như người đi mua cau non cung cấp cho đại lý đều cảnh giác trước sự việc bất thường này.
Nhiều nhà vườn cũng như người đi mua cau non cung cấp cho đại lý đều cảnh giác trước giá cau non tăng cao. (Ảnh: KT)
|
Trước việc nhiều thương lái lùng sục thu mua cau non tại các tỉnh ĐBSCL với giá cao, làm cho nguyên liệu trong vùng trở nên khan hiếm. Anh Nguyễn Thành Hưng, ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại địa phương hiện nay có nhiều người đến thu mua cau non nên nguồn nguyên liệu cũng giảm đáng kể.
Để có nguồn cau non cung cấp cho các đại lý, kiếm thêm thu nhập hàng ngày cho gia đình anh Hưng phải sang tận huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long để thu mua. Anh Hưng cho biết, cau non do người dân tự trèo hái trái sẽ có giá mua cả buồng 5.000 đồng/kg, nếu nhà vườn tự hái giá bán sẽ là 6.000 đồng/kg.
“Nguồn cau ở địa bàn vẫn còn tương đối nhiều nhưng có người bán, người không. Nhiều nhà vườn còn được thương lái đặt mua trước nên cũng khó thu mua”, anh Hưng cho biết.
Trong khi đó, anh Bảy Hải, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết, sau khi nghe Đài, đọc báo biết được tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông sản ở ĐBSCL như bông thanh long, lá mãng cầu xiêm…cốt để bà con hám lợi thu hoạch cây, lá quá mức làm cho cây giảm năng suất, hoặc lừa nông dân đi thu gom. Lúc đầu sản phẩm ít thu mua giá cao, đợi đến lúc người dân thu gom nhiều sản phẩm thương lái bắt đầu giảm giá, mua thiếu và đột ngột biến mất làm cho những người đi thu gom sản phẩm bị vỡ nợ.
Phân tích về tác hại của thủ đoạn trên anh Bảy Hải và anh Nguyễn Thành Hưng cùng cho biết, thương lái thu mua một thời gian, đến khi người dân phá vườn trồng cau thương lái lại nghỉ mua gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Do đó hiện nay, nhiều thương lái trong nước làm nghề thu gom nông sản cho thương lái nước ngoài cũng rất thận trọng trước việc làm này.
Anh Nguyễn Thành Hưng cho biết, cảnh giác trước tình trạng nhiều thương lái ở ĐBSCL bị lừa khi thu gom hàng nông sản chất đầy nhà, phải “dài cổ” ngồi chờ bán sản phẩm thì thương lái nước ngoài trốn biệt tăm. Do vậy, mỗi ngày anh Hưng chỉ mua khoảng 200 kg cau non, khi nào bán hết anh mới tiếp tục thu mua. Anh Hưng cũng cho biết, giá cau non người thu mua không thể kiểm soát được, phải lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái nước ngoài.
“Sau một thời gian mua cau với giá cao, thương lái nước ngoài sẽ thu mua với giá rẻ. Ví dụ thời điểm này giá thu mua đang là 5.000 đồng/kg, nhưng sau đó giá sẽ giảm còn 3.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, có khi xuống còn 700 đến 800 đồng/kg”, anh Hưng dự đoán.
Bài học về việc nông dân bán lá mãng cầu xiêm, lá điều, bông thanh long…về mặt chuyên môn đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo sẽ gây ít nhiều đến năng suất, chất lượng cây trồng. Nhưng về mặt kinh tế đó là việc gây rối loạn thị trường.
Đáng ngại hơn là nhiều người dân bỏ vốn đổ xô thu gom sản phẩm để bán cho thương lái. Hậu quả là thương lái biến mất làm nông dân ôm nợ vì không bán được sản phẩm đành phải đổ bỏ. Điển hình như việc thương lái thu mua cây, lá bần ổi tại Bạc Liêu, Hậu Giang và các loại cây, con khác ở ĐBSCL và nhiều địa phương trong cả nước vừa qua là một bài học để mọi người cần cảnh giác./.