Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng 22%, đậu tương tăng 21%, khô đậu tương tăng 16%, ngô tăng 9%.
Nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ những khu vực trồng chính trên thế giới tại Nam Mỹ; đồng thời cuộc xung đột Nga - Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Từ đó, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước cũng tăng theo. Cụ thể, thức ăn cho lợn thịt 60 kg đến xuất chuồng là 12.500 đồng/kg (tăng 2,5% so với tháng 12/2021), thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 12,8% so với tháng 12/2021), thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 8,1% so với tháng 12/2012)...
Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi.
Khảo sát của Cục Chăn nuôi cho thấy, hiện tại giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đang tăng rất cao. Cụ thể, ngô hạt 9.000 đồng/kg (tăng 12,5%); khô dầu đậu tương 16.000 đồng/kg (tăng 17,65%); bột cá 30.000 đồng/kg, sắn lát 6.450 đồng/kg (tăng 11,0%); cám mì 7.000 đồng/kg (tăng 3,0%); cám gạo chiết ly 6.000 đồng/kg (tăng 17,7%)...
“Thời gian tới giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu (Ukraine là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm). Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi”- Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cảnh báo.
Để ứng phó với việc giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp đề ra giải pháp phát triển những loại thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp để giảm áp lực trong bối cảnh giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay.
Đơn cử, có thể sử dụng cám gạo để thay thế lúa mì, ngô nhập khẩu. Cám gạo là sản phẩm phụ của ngành xay xát lúa gạo nên có nguồn cung khá dồi dào ở nước ta.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị, các đơn vị chức năng thanh, kiểm tra thường xuyên chất lượng thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường linh hoạt hơn, sát thực tế hơn. Bên cạnh đó, cần lấy mẫu kiểm tra ngoài thị trường chứ không lấy trong các nhà máy, xí nghiệp.