Giá phân bón chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nông nghiệp gặp khó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá phân bón liên tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” đang khiến cho hàng triệu nông dân lâm vào cảnh khốn đốn khi đứng trước nguy cơ phải bù lỗ cho sản xuất.

Gián đoạn nguồn cung, giá tăng chóng mặt

Thị trường phân bón thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Nga - Ukraine. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giá phân bón và giá dầu luôn có quan hệ hữu cơ với nhau, bởi đạm urea là sản phẩm gia tăng của ngành chế hóa dầu khí.

Hiện Nga sản xuất phân bón chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ xung đột Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón

Tại thị trường Việt Nam, khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện giá một số loại phân bón Urea, DAP, NPK, Kali… vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 7/4, giá Urea Cà Mau, Urea Phú Mỹ được các đại lý bán ở mức 19.000 đồng/kg, Urea Hà Bắc ở mức 17.000 đồng/kg.

Phân DAP Đình Vũ đang được niêm yết giá bán 19.000 đồng/kg, DAP Lào Cai 19.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 17.000 đồng/kg, NPK Russian 16-16-16 giá 17.500 đồng/kg. Các loại phân Kali Phú Mỹ, Kali Belarus được bán với giá dao động 12.500 - 13.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, so với tháng 3/2022 giá phân bón hiện tăng khoảng 5%. Có loại biến động giá theo tuần như Kali liên tục tăng vọt. Giá phân DAP trung bình 874 USD/tấn, tăng 46% từ năm ngoái đến nay; phân MAP lên tới 935 USD/tấn, tăng 44%; kali ở ngưỡng 815 USD/tấn, tăng 102%.

Nhận định về tình hình nguồn cung phân bón trong nước, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà nhấn mạnh, xung đột Nga - Ukraine làm tăng nguy cơ gián đoạn thương mại phân bón toàn cầu, bởi Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 23% xuất khẩu amoniac, 14% xuất khẩu urê, 10% xuất khẩu phốt phát chế biến và 21% xuất khẩu kali.

Đáng nói, hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Thời gian tới, mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, giá kali ở Việt Nam dự báo tiếp tục tăng do nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới.

“Mặc dù về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu một số loại phân bón, nhưng vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu phân SA và kali, do trong nước không có nguồn nguyên liệu. Với phân DAP, MAP, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để bù vào lượng thiếu hụt do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nguồn nhập khẩu từ Nga gặp khó khăn đẩy mặt bằng giá tăng lên, thì giá phân bón tại Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực” - ông Phùng Hà phân tích.

Nông dân sản xuất không có lãi

Từ cuối năm 2021 trở lại đây, giá phân bón liên tục “leo thang” khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn. Với mức giá phân bón tăng cao như hiện nay trong khi giá nông sản bấp bênh, đầu ra không ổn định, người nông dân sản xuất không có lãi.

 

Hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021. Tuy nhiên, giá phân bón liên tục tăng cao sẽ đe dọa năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, thậm chí ngay tại thị trường nội địa.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Cường

Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây trồng trong những thời điểm quyết định đến năng suất, sản lượng.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy chia sẻ, phân bón chiếm từ 20 - 25% chi phí giá thành sản xuất lúa. Với giá thành hiện tại buộc người nông dân phải giảm lượng phân bón cho cây, vì nếu bón đủ như trước, chi phí đầu tư tăng lên và lợi nhuận sẽ giảm. Đó là chưa kể các loại dịch vụ khác như: Chi phí thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, gieo cấy, thu hoạch… đều tăng giá. Trong khi đó, giá lúa bán ra hiện nay vẫn ở thấp nên hạch toán nông dân chỉ cầm hòa (trong trường hợp lúa được mùa)

Phân tích rõ hơn sự ảnh hưởng này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, biến động giá các loại phân bón tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất. Hiện đang bước vào thời kỳ chăm sóc các cây trồng. Đối với lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn bón thúc giúp cho cây sinh trưởng, nếu không bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng, năng suất cây trồng chắc chắn giảm.

Còn với cây ngô, chè, đây cũng là thời điểm cần tăng cường bón phân để kích thích quá trình phát triển. Giá phân bón tăng cao khiến cho bà con nông dân phải đắn đo trước sự lựa chọn nên đầu tư nhiều hay ít để không phải bù lỗ trong quá trình sản xuất.

Đáng lo ngại, giá phân bón tăng mạnh còn kéo theo tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã công bố việc xử phạt 92 cơ sở vi phạm quy định về nội dung ghi nhãn, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, 44 cơ sở nhập khẩu, 9 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng; ngoài ra còn có 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.