Giá phân ure, kali giảm nhẹ
Khảo sát của phóng viên tại một số đại lý phân bón trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ngày 26/6, giá phân ure, kali tiếp đà giảm nhẹ so với những ngày trước. Giá một số loại nguyên liệu sản xuất phân bón giảm nhẹ hoặc đi ngang.
Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, ngày 26/6, giá phân ure Hà Bắc là 850.000 đồng/bao/50 kg, giảm 20.000 đồng/bao so với 4 ngày trước đó; phân ure Phú Mỹ là 850.000 đồng/bao/50kg, giảm 25.000 đồng/bao; phân ure Đầu Trâu là 840.000 đồng/bao, giảm 10.000 đồng/bao so với 4 ngày trước đó.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, không chỉ tại Hà Nội, ngày 26/6, giá phân ure tại nhiều tỉnh, thành cũng giảm đến 45.000 đồng/bao/50 kg.
Cụ thể, phân ure Cà Mau tại An Giang là 795.000 đồng/bao/50 kg, giảm 40.000 đồng/bao so với 1 tuần trước đó. Phân ure Ninh Bình tại Gia Lai là 840.000 đồng/bao/50 kg, giảm 40.000 đồng/bao; phân ure Phú Mỹ cũng giảm 45.000 đồng/bao, còn 845.000 đồng/bao so với ngày 20/6…
Tương tự, ngày 26/6, giá một số loại phân kali nhập khẩu và sản xuất trong nước tại Hà Nội đều ghi nhận giảm nhẹ hoặc đi ngang. Cụ thể, giá phân kali bột Canada là 880.000 đồng/bao, giảm 30.000 đồng/bao so với 5 ngày trước đó; phân kali Hà Anh, phân kali Phú Mỹ đều được niêm yết ở mức 895.000 đồng/bao, không đổi so với 5 ngày trước đó.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn chung giá phân ure trong nước giảm nhưng các loại phân phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu vẫn đang chững lại ở mức cao.
Về thị trường Trung Quốc, giá phân ure nhích lên 0,1% và giao dịch ở 3.095 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 461 USD/tấn); giá phân DAP giữ nguyên với 4.333 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 646 USD/tấn), không đổi từ ngày 16/6.
Thị trường cũng ghi nhận giá một số nguyên liệu trong sản xuất phân bón giảm nhẹ. Cụ thể: Photpho vàng giảm 0,3% xuống còn 3.863 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 576 USD/tấn). Lưu huỳnh hạ 0,1% xuống còn 12.000 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 1.790 USD/tấn).
Giá phân bón khó giảm sâu từ giờ đến cuối năm
Theo nhận định của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ đầu năm 2022, giá phân ure trên toàn thế giới có dấu hiệu giảm dần trong tháng 3, tăng nhẹ trở lại vào tháng 4 và tháng 5. Cụ thể giá phân ure bình quân tháng 1/2022 là 18,7 triệu đồng/tấn, tháng 2 là 16,25 triệu đồng/tấn, tháng 3 là 14,16 triệu đồng/tấn, tháng 4 là 16,7 triệu đồng/tấn và tháng 5 là 16,45 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, hiện giá dầu thế giới vẫn ở mức cao và dự báo khó giảm trong những tháng cuối năm. Như vậy, theo phân tích tổng quan về giá dầu thế giới và biểu đồ giá ure từ đầu năm đến nay, nhiều chuyên gia đánh giá, giá ure có thể hạ nhiệt tạm thời trong một thời điểm nhất định. Về lâu dài, khó có thể khẳng định giá ure tiếp tục giảm sâu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, trong bối cảnh này, các DN sản xuất phân bón trong nước cần phát huy tối đa công suất và tìm mọi cách giảm chi phí, hạ giá thành, đặc biệt là giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón. Các DN cũng cần ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu.
“Hiệp hội cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ. Đặc biệt, lợi dụng giá phân bón tăng cao, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường ngày càng nhiều, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, có các chế tài xử phạt các đại lý găm hàng bảo vệ lợi ích của người nông dân” - ông Phùng Hà cho hay.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nhận định, phân bón là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất trong sản xuất, trồng trọt. Việc giá phân bón tăng tác động làm tăng giá thành nhưng lại giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Điều đáng lưu tâm là trong thực tế, nhiều nông dân chưa tuân thủ các quy trình sản xuất, lạm dụng phân bón vô cơ còn khá phổ biến, hiệu quả sử dụng phân bón còn thấp. Do vậy, Cục Trồng trọt đang phối hợp cùng DN và địa phương ban hành các quy trình canh tác để giảm lượng phân bón đầu vào, với mức giảm 15% lượng phân bón nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thay đổi nhận thức sử dụng, tuân thủ các quy trình tiến bộ trong sản xuất để lượng phân bón giảm đi nhưng vẫn đạt hiệu quả năng suất.
Việc can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước bằng cơ chế chính sách về thuế, hạn chế xuất khẩu phân bón... nhằm ổn định, hạ giá phân bón trong nước là điều cần thiết.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường