Giá sữa lao dốc, kinh tế New Zealand lao đao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lập pháp New Zealand và nông dân nước này đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khi giá như sự sụp đổ toàn cầu trong giá sữa bắt đầu có ảnh hưởng lớn tới thu nhập của nông.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Fonterra – tập đoàn xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới cắt giảm dự báo mức chi trả cho xã viên của mình trong năm tài khóa 2015 – 2016 được bắt đầu từ tháng trước. Theo đó, Fonterra dự báo sẽ chi trả cổ tức 3,85 NZD (2,53 USD) cho mỗi kg sữa, thấp hơn số tiền mà nông dân ước tính là 5,7 NZD (3,74 USD).
Giá sữa lao dốc, kinh tế New Zealand lao đao - Ảnh 1
Phe đối lập chính tại New Zealand cảnh báo, việc cắt giảm mức chi trả cho nông dân sẽ “quét sạch” hàng tỷ USD khỏi khu vực kinh tế nông thôn của nước này. Ông Grant Robertson – phát ngôn viên chính của Đảng Lao động đối lập cho biết, nông dân nước này sẽ bị thất thu khoảng 5,7 tỷ NZD.

Hồi đầu tuần này, giá sữa trên thị trường quốc tế đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, sau 10 phiên lao dốc liên tiếp. Chủ tịch Fonterra John Wilson cho rằng, sự mất cân bằng giữa nguồn cung dư thừa và nhu cầu thấp là nguyên nhân khiến thị trường sữa toàn cầu lao đao. Dù tin rằng, giá sữa sẽ phục hồi trong thời gian tới nhưng thị trường xuống giá hiện nay đang đẩy người nông dân chăn nuôi bò sữa New Zealand và trên khắp thế giới vào tình cảnh khó khăn.

Trước đó, hôm 23/7, Ngân hàng T.Ư New Zealand đã cắt giảm lãi suất xuống còn 3% và cân nhắc tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu sữa đang lao đao.

Dù giá sữa đang xuống thấp, Fonterra vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư để nâng sản lượng từ 20 tỷ lít hiện nay lên 30 tỷ lít sữa vào năm 2025. Chính việc tập trung tăng trưởng vào sản lượng sữa thay vì nâng chất lượng sữa, hiệu quả của dây chuyền sản xuất đã làm tổn thương những người nông dân New Zealand. Ngoài ra nó cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước và hủy hoại đa dạng sinh học của các vùng đất dễ bị tổn thương khi được chuyển đổi.

Đại diện Hiệp hội nông dân ngành sữa New Zealand (FNF) kêu gọi chính phủ nhanh chóng khởi động các dự án cơ sở hạ tầng 
như các dự án thủy lợi, hệ thống đường giao thông nông thôn ở những khu vực chuyên chăn nuôi bò sữa để hỗ trợ nền kinh tế địa phương.