Đấy, quan điểm của đa số bậc cha mẹ: Người mất đi rồi không thể mang theo của cải được, nhưng nhất định phải có của cải để lại cho con cái. Tuy nhiên, gia tài của mẹ cha thực sự là điều gì?
Nhà tôi có 3 anh chị em, 1 trai 2 gái, và đương nhiên ai cũng mặc định tất cả nhà cửa tài sản của bố mẹ sẽ để lại cho em trai tôi, vì nó là con trai duy nhất sẽ phải lo hương khói cho tổ tiên sau này. Nhưng có lần vô tình tôi thấy sổ đỏ căn nhà viết “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hai”, nghĩa là tôi cũng là một trong những người có quyền được sử dụng đất này.
Rồi nghĩ, giả sử không may bố mẹ tôi đột ngột qua đời, nếu dựa trên giấy tờ này và tôi và chị gái tham lam thì gia đình chắc chắn xảy ra tranh chấp đất đai? Tôi có đem ý nghĩ này nói cho bố mẹ biết, vì hiện tại tôi và chị gái không cần bất cứ tài sản gì của bố mẹ cho, nhưng ai biết sau này chúng tôi có thể sẽ nghĩ khác đi.
Thế nhưng sau khi nghe xong, bố tôi tặc lưỡi “làm gì có chuyện đấy, thì giờ bố nói cho thằng Út hết, tụi mày nghe vậy là biết rồi”. Ôi trời, tôi không ngờ là bố của tôi cũng lục tuần rồi mà còn nghĩ ngây ngô như vậy. Khi tình nghĩa không còn thì mọi thứ sẽ được giải quyết bằng pháp luật, và đương nhiên nếu mang ra luật thì tôi và chị gái đương nhiên sẽ được chia một phần đất đai.
Cứ nhìn vào tấm gương bao nhiêu gia đình trong làng, anh em ruột thịt ở cạnh nhau còn tị nạnh chửi bởi tranh chấp nhau vài phân đất, thậm chí là đánh nhau sứt đầu mẻ trán...
Vậy là tôi phải ngồi phân tích đủ kiểu cho bố mẹ theo luật pháp, vì cũng có lúc tình người đảo điên thì phải dùng đến pháp luật. Rồi đưa ra ví dụ về những câu chuyện buồn khi anh em trong nhà tranh chấp tài sản, chỉ cần một người nổi lòng tham là gia đình tan nát.
Thuyết phục mãi rồi ông cụ cũng nghe, rồi lo làm thủ tục sang tên, 3 đứa con đều làm giấy đồng ý để bố mẹ tôi sẽ là người đứng tên trong sổ đỏ. Rồi ông bà làm di chúc, nếu trong 2 người không còn thì tài sản sẽ thuộc về người còn sống, cho đến khi cả 2 không còn nữa thì tài sản mới thuộc về em trai tôi. Đấy, làm rõ ràng như thế cho khỏi mất tình nghĩa anh em.
Nhìn lại nhiều bậc cha mẹ, làm lụng vất vả cho tới khi tóc bạc vẫn không ngừng, nhịn ăn nhịn mặc chỉ với mục đích duy nhất của cuộc đời là kiếm thật nhiều tiền để lại cho con cái. Những đứa con quá ỉ lại vào cha mẹ, không biết quý trọng công sức của cha mẹ đã tạo ra của cải nhưng lại sẵn sàng lao vào nhau đến đổ máu để tranh chấp tài sản vốn không phải do chính mình làm ra.
Ngày nay, những thế hệ phụ huynh của hiện tại và tương lai đang có xu hướng “Tây” hóa hơn. Họ không đặt nặng vấn đề phải có tài sản để lại cho con, thay vào đó họ tận hưởng cuộc sống bằng tiền mình kiếm được.
Còn con cái, nuôi chúng đến khi học hành xong ra trường, hoặc đơn giản sau 18 tuổi hãy tự lo cho bản thân thay vì vẫn phải xin tiền phụ huynh. Bản thân tôi, có lẽ từ bé đã biết phận mình là gái không được bố mẹ cho đất đai, gia đình cũng không khá giả nên tôi luôn phấn đấu để tự chủ trong mọi thứ.
Từ khi còn nhỏ tôi đã biết đi phụ việc cho nhà hàng xóm để kiếm tiền đưa mẹ mua chiếc đồng hồ treo tường trong nhà, muốn có cặp sách mới tôi cũng đi làm thuê cho người trong làng vào dịp hè. Suy nghĩ, muốn gì thì hãy tự kiếm tiền để mua có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ nhỏ, vì thế đối với tôi tài sản của cha mẹ vốn không phải của mình.
Nhưng bản thân tôi cũng không tự tin là một ngày nào đó của mai sau, tôi không nổi lòng tham và muốn có được một phần tài sản từ cha mẹ.
Thế nên, của cải dễ khiến con người thay tâm đổi tính, cha mẹ dù có nhiều hay ít thì cũng nên phân chia rõ ràng giữa quyền và trách nhiệm để tránh những tranh chấp sau này.
Gia tài của cha mẹ là con cái vui vẻ yêu thương nhau! Đừng để đồng tiền làm mất tình thân.q