Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng áp lực thoái vốn ngoài ngành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, các tập đoàn, tổng công...

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) Nhà nước đã thoái được 821,8 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành. Dù kết quả này xấp xỉ giá trị đạt được của cả năm 2013, song nếu so với yêu cầu đặt ra, công tác thoái vốn ngoài ngành vẫn còn không ít thách thức trong thời gian tới.

Mới đạt hơn 20% mục tiêu

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số vốn các TĐ, TCT Nhà nước còn nắm giữ tại các tổ chức tín dụng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán… nhưng có thể thấy, con số đó không hề nhỏ nếu nhìn vào yêu cầu hết năm 2015 phải thoái hơn 22.000 tỷ đồng. Chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, hiện tại, danh sách những ngân hàng đang có cổ đông là TĐ, TCT Nhà nước còn tương đối dài. TĐ Dầu khí đang nắm giữ 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương và là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank); TCT Bến Thành là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Phương Đông; TĐ Dệt may chưa thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Nam Việt (tên mới là Quốc Dân); TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản sau nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa chuyển nhượng được cổ phần ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...

 
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là đơn vị được đánh giá tốt trong thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Ảnh: Tuấn Anh
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là đơn vị được đánh giá tốt trong thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Ảnh: Tuấn Anh
TĐ Điện lực (EVN) cuối năm 2013 đã chuyển nhượng được 22,5 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 16%, tương đương 76,9 triệu cổ phiếu, nhưng vẫn là cổ đông lớn của ngân hàng này…

Cùng với EVN, có 5 đơn vị được Bộ Tài chính đánh giá tốt trong thoái vốn Nhà nước là TĐ Công nghiệp Cao su (120 tỷ đồng), TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (376 tỷ đồng), TCT Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), TCT Xi măng (105 tỷ đồng), TCT Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng).

Gia tăng thoái vốn, tuy nhiên, lũy kế từ năm 2013 - 6/2014, các TĐ, TCT cũng mới thoái được gần 5.000 tỷ đồng trong tổng giá trị hơn 22.000 tỷ đồng cần thoái đến hết năm 2015, tương ứng tỷ lệ hoàn thành chỉ mới đạt hơn 20%.

Thêm giải pháp

Bình luận về việc thoái vốn ngoài ngành của các TĐ, TCT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, không phải đơn vị sở hữu vốn không muốn chuyển nhượng. Ngược lại, ai cũng muốn bán nhưng không tìm được người mua ở mức giá người bán rao. Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN ban hành hồi tháng 3 vừa qua được xem là đã mở rộng thêm cánh cửa đối với các TĐ, TCT hiện đang mắc kẹt với đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực của nền kinh tế đã xuất hiện tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, quá trình thoái vốn vẫn còn không ít thách thức. Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… không còn hấp dẫn. Thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến sự trồi sụt, khoảng cách chênh lệch giữa giá đầu tư và giá thị trường lại rất lớn làm giảm cơ hội thành công cho các thương vụ chuyển nhượng. Thêm nữa, lộ trình thoái vốn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đang ngắn dần lại, trong khi lượng vốn cần bán ra rất lớn, tới hơn 15.000 tỷ đồng dồn dập từ nay đến hết năm 2015, sẽ là một áp lực không nhỏ cho thị trường và mức độ cạnh tranh sẽ rất quyết liệt… 

Nhằm bảo đảm mục tiêu đề ra, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho biết, trong quý III, Chính phủ sẽ bổ sung một số quy định giúp tháo gỡ khó khăn cho DN. Thậm chí, ngay trong trường hợp xấu nhất, DN không thoái được vốn, phần vốn đó sẽ chuyển sang TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. TCT này sẽ trả bằng giá vốn hoặc hai bên thỏa thuận để đưa ra mức giá thống nhất thông qua tư vấn độc lập. Chính phủ cũng đã cho phép DN được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Do vậy, mặc dù giá bán đó thấp hơn giá trị sổ sách, nhưng có khoản dự phòng bù đắp thì vẫn bảo toàn được vốn... Đây có thể coi là những giải pháp tháo gỡ căn bản vướng mắc trong quá trình thoái vốn ngoài ngành. Điều quan trọng là cách làm và quyết tâm của mỗi DN.