Gia tăng bất ổn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 30/6, tròn một năm Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi lên nắm quyền, quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong bất ổn với các cuộc biểu tình biến thành bạo động đang leo thang.

Ngay từ khi tuyên thệ nhậm chức, ông Morsi đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Với cuộc "đảo chính mềm" nhằm thâu tóm mọi quyền hành pháp và lập pháp từ tay Hội đồng tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) cầm quyền, các nhà quan sát từng cho rằng ông Morsi sẽ nổi lên là một nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, cách điều hành quá cứng nhắc, độc đoán của ông và tổ chức Anh em Hồi giáo đã đẩy giới cầm quyền vào thế đối đầu căng thẳng với các lực lượng đối lập, thậm chí cả những đồng minh Hồi giáo từng chung hàng ngũ trước đây như đảng Salafist Nour.
 
 
Gia tăng bất ổn - Ảnh 1
 
Người dân Ai Cập biểu tình tại Thủ đô Cairo kêu gọi Tổng thống Morsi từ chức.   Ảnh: AFP

Sóng ngầm trên chính trường Ai Cập bắt đầu hình thành từ tháng 11/2012, khi ông Morsi bất ngờ ban hành Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi cho phép Tổng thống Morsi được "miễn dịch" trước mọi phán quyết của tòa án. Quyết định nhằm thâu tóm toàn bộ quyền hành pháp này của ông Morsi đã gây ra nhiều tranh cãi và làm lu mờ đi thành công ngoại giao của ông khi thuyết phục được Israel và phong trào Hamas của Palestine ký vào thỏa thuận ngừng bắn. Tình hình an ninh của quốc gia cũng trở nên bi quan khi khoảng cách giữa các tôn giáo, sắc tộc ngày càng gia tăng khi các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu giữa những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống và lực lượng chống chính phủ diễn ra như cơm bữa.

 Về kinh tế, dưới sự chèo lái của ông Morsi, cuộc sống của người dân không hề được cải thiện mà ngày càng khó khăn hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7/2012 - 6/2013 chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 7% trước thời điểm xảy ra làn sóng biểu tình lật đổ ông Mubarack. Bất ổn an ninh khiến du lịch thiệt hại nặng và các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt tháo chạy khỏi Ai Cập khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức báo động là 13%. Trong khi đó, tình trạng cắt điện, thiếu hụt nhiên liệu và khí đốt diễn ra thường xuyên do chính phủ không còn đủ tiền để nhập khẩu.

Trước tình hình bạo lực bùng phát nguy hiểm khiến ít nhất 3 người, trong đó có một người Mỹ thiệt mạng, Washington đã quyết định rút các nhân viên ngoại giao không liên quan đến các nhiệm vụ cấp thiết về nước. Một năm sau khi Tổng thống dân cử đầu tiên tuyên bố nhậm chức, quốc gia của các Phraon lại phải chứng kiến một “cuộc di tản chưa có tiền lệ” của khách di lịch và các quan chức ngoại giao nước ngoài. Tại sân bay chính của thủ đô Cairo, hàng ngàn khách du lịch, nhân viên ngoại giao và gia đình đang nóng lòng rời khỏi quốc gia này do lo sợ bất ổn sẽ tiếp tục leo thang.