Gia tăng doanh nghiệp FDI báo lỗ: Cần thay bộ lọc nhà đầu tư

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được hưởng hàng loạt ưu đãi nhưng số lượng DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) thua lỗ ngày càng tăng. Trước tình hình này, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, Khu Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Phạm Kiên  
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, Khu Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Phạm Kiên  

56% số doanh nghiệp FDI báo lỗ

Theo báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của các DN FDI do Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, trong tổng số 25.171 DN FDI đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hiện có 10.125 DN sản xuất kinh doanh lãi, đạt 40,2%. Đáng chú ý, số đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 báo lỗ lên tới 14.108 DN với khoảng 151.064 tỷ đồng, tương đương với 56% tổng số DN FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Lũy kế đến hết năm 2020, có hơn 16.100 DN FDI báo lỗ, chiếm khoảng 64% DN khai báo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các DN FDI đến hết năm 2020 lên tới hơn 623.000 tỷ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của các DN.

Nghịch lý là dù thua lỗ nhưng tổng tài sản của các DN FDI ghi nhận lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính năm 2020 vẫn đạt khoảng 2,91 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2019. Tổng lợi nhuận trước thuế của các DN FDI trong năm 2020 đạt khoảng 406.580 tỷ đồng, tăng khoảng 37.240 tỷ đồng, tương tự tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 341.780 tỷ đồng, tăng khoảng 35.650 tỷ đồng,

Đáng lưu ý, có những DN FDI được cho là kinh doanh thuận lợi vẫn báo lỗ. Một số DN FDI kinh doanh trong mảng viễn thông, phần mềm, được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch Covid-19 cũng báo lỗ nặng. Đơn cử như Công ty Airpay và Công ty Shopee là 2 DN FDI có doanh thu tăng mạnh trong năm 2020, đạt 2.964 tỷ đồng, đóng góp 58% tăng trưởng doanh thu của ngành. Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Công ty Shopee) và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay), nhưng 2 DN FDI này vẫn báo lỗ, trong đó Công ty Shopee bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào ngân sách Nhà nước hạn chế.

Xem lại chính sách ưu đãi đầu tư

Hiện, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI trong bối cảnh có tới quá nửa DN FDI đang đầu tư kinh doanh thua lỗ và một số vấn đề khác. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chọn lọc đầu tư FDI cần làm sớm để khắc phục nghịch lý DN FDI vừa mở rộng đầu tư kinh doanh, vừa báo lỗ để trốn thuế cũng như khắc phục những hạn chế hiện tại. Theo các chuyên gia có hai trường hợp, thứ nhất là những DN FDI lỗ thật, trường hợp còn lại là những DN chuyển lãi thành lỗ, có hành vi chuyển giá thông qua hoạt động kinh doanh nội khối.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN FDI Nguyễn Văn Toàn cho rằng, cần kiểm tra, giám sát nếu phát hiện sai phạm khai lỗ giả để trốn thuế cần xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt dự án đầu tư FDI có tiền sử nhiều lần báo lỗ, “DN nào nhiều lần báo lỗ liên tục cần phải kiểm tra ngay. Không thể để tình trạng nhà đầu tư đến kinh doanh có lãi nhưng không chịu nộp thuế”.

Những DN FDI báo lỗ nhiều lần nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng đầu tư, không riêng gì các DN công nghệ thông tin, các công ty thép, các công ty đồ uống như Coca Cola Việt Nam hơn 20 năm đầu tư, và nhiều lĩnh vực khác hoạt động ở Việt Nam vẫn khai lỗ, song lại không ngừng mở rộng đầu tư. Điều này, theo TS Lê Đăng Doanh là bất thường.

“Nhiều DN FDI tại Việt Nam chỉ lắp ráp đơn giản. Họ nhập linh kiện của đơn vị khác trong cùng tập đoàn. Vì vậy, họ có thể chuyển giá bằng cách nâng giá linh kiện nhập khẩu, báo cáo thua lỗ. Trong khi đó, các DN trong tập đoàn cùng nhau chia sẻ lợi nhuận. Bằng cách đó, DN FDI trốn thuế đối với Việt Nam” - ông Doanh nhận định.

Việt Nam cần thay đổi việc ưu đãi DN FDI, Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất phương pháp xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong thời gian tới phù hợp với quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Một số chuyên gia khuyến nghị cần rà soát các DN FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá.

Trong tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng bộ tiêu chí về thu hút đầu tư FDI có chọn lọc mới đây, bộ KH&ĐT đã chỉ ra hàng loạt hạn chế. Theo đó, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD/ha. Một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có suất vốn đầu tư FDI bình quân lớn hơn, đạt từ 8 - 10 triệu USD/ha đất.

Các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là dự án đầu tư quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, 31 dự án FDI có vốn đầu tư 0,5 - 1 tỉ USD, 517 dự án FDI có vốn đầu tư 100 - 500 triệu USD, 654 dự án FDI có vốn đầu tư 50 - 100 triệu USD. Còn lại hàng chục ngàn dự án FDI hiện nay có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư.

Để cùng hưởng “trái ngọt”

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam thu hút được 408 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, đứng thứ 18 thế giới, thứ 2 Asean về thu hút FDI, sau Indonesia. Hiện tại, điều quan trọng không phải là thu hút được thêm nhiều vốn FDI, quan trọng là phải thu hút được vốn đầu tư FDI chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Nguyễn Hải Minh cho biết, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút DN FDI. Các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam với nhiều tiềm năng, cơ hội, trước mắt là về các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư tăng thêm.

Với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có những lợi thế trong thu hút FDI, bao gồm môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào, chính trị ổn định…

Trong vòng 25 - 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trong đó thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mới. Bộ KH&ĐT đang trình Thủ tướng 7 tiêu chí để chọn lọc đầu tư FDI thời gian tới, gồm: Suất vốn đầu tư/ha đất; Số lao động tại mỗi dự án đầu tư; Hàm lượng công nghệ cao của dự án; Cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư; Khả năng liên kết với khu vực DN trong nước; Bảo vệ môi trường; Đảm bảo quốc phòng an ninh.

“Xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI, có bộ tiêu chí này mới để phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực của đầu tư FDI. Bộ tiêu chí chọn lọc xây dựng theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư theo cấp độ khác nhau, định hướng thu hút đầu tư FDI theo vùng, dựa trên thế mạnh các địa phương” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, thực hiện chính sách thu hút có chọn lọc, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI, hướng tới các mục tiêu bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, tiếp thu khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, định hướng “thu hút FDI để vừa phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vừa nhanh chóng xây dựng được nền kinh tế tự cường, vừa giữ gìn được an ninh, quốc phòng của đất nước” là mục tiêu hết sức đúng đắn và phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có sự thay đổi về chất, để cả nhà đầu tư và nền kinh tế Việt Nam, DN Việt Nam cùng hưởng “trái ngọt”.

 

Chính phủ Việt Nam cần rà soát và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả có ý nghĩa quan trọng hơn là thu hút FDI để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế. Việt Nam nên hạn chế thu hút FDI qua các ưu đãi vì sẽ tạo điều kiện cho chuyển giá, thất thoát ngân sách.

Thay vào đó, Việt Nam cần quan tâm hơn chất lượng của cơ sở hạ tầng “cứng” như hệ thống giao thông, cảng biển, hàng không, logistics, kho bãi... Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng “mềm” như thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực quản lý...

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Andrew Jeffries