Gia tăng giá trị từ khu phát triển thương mại và văn hóa
Kinhtedothi – Việc HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các tuyến phố, làng nghề, khu dân cư hiện hữu.
Khắc phục tình trạng manh mún, tự phát
Trong thời gian qua, Hà Nội đã hình thành một số khu vực, không gian tuyến phố nghề, làng nghề gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ... còn mang tính tự phát, nhiều bất cập hạn chế; việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao, chưa thể hiện rõ bản sắc của từng địa phương.

Khu phố ẩm thực Tống Duy Tân. Ảnh: Cẩm Tú
Luật Thủ đô 2024 quy định Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, không gian văn hóa. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về thương mại, văn hóa một cách hiệu quả, góp phần tăng trưởng bền vững như mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa tại một số nước trên thế giới đã triển khai thành công.
Do đó, việc HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định về khu phát triển thương mại và văn hóa nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô là cần thiết, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP và phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo Nghị quyết, về nguyên tắc, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa. Ưu tiên thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa tại khu vực TOD theo quy định của Luật Thủ đô.
Khu phát triển thương mại và văn hóa hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản; bảo đảm sự đồng thuận của trên 50% đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ sở hữu nhà ở, công trình kiến trúc, hộ gia đình thường trú trong khu. Đáng chú ý, áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tại khu phát triển thương mại và văn hóa cao hơn so với các quy định chung để phát triển các hoạt động văn hóa, sáng tạo gắn với phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn.
Nhà nước khuyến khích và ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa trong phạm vi khu phát triển thương mại và văn hóa; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cải thiện cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ công tại khu phát triển thương mại và văn hóa.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa là giải pháp để hồi sinh các không gian di sản và làng nghề truyền thống vốn đang đối mặt với nguy cơ mai một. Bằng việc kết hợp giữa bảo tồn và kinh doanh có trách nhiệm, giữa trải nghiệm du lịch và thực hành văn hóa sống động, các khu này sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách mà còn với chính người dân địa phương.
“Bên cạnh đó, việc Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, dịch vụ công, truyền thông, bảo vệ môi trường cho các khu này càng củng cố thêm niềm tin rằng văn hóa thực sự đang được đặt vào trung tâm của phát triển cộng đồng” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Khai thác tối ưu các lợi thế về văn hóa
Theo Nghị quyết, TP Hà Nội cho phép triển khai thử nghiệm có kiểm soát các ý tưởng, sản phẩm, mô hình, công nghệ hoặc hoạt động văn hóa sáng tạo mới tại khu phát triển thương mại và văn hóa với khuôn khổ giới hạn không gian, thời gian, đối tượng, trách nhiệm nhằm đánh giá tính khả thi cũng như tác động trước khi áp dụng rộng rãi theo quy định tại Điều 25 của Luật Thủ đô, quy định của HĐND, UBND TP về thử nghiệm có kiểm soát.
Việc quản lý, điều hành hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa do Hội đồng quản lý thực hiện, bao gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội, đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực.

Làng gốm Bát Tràng có nhiều điều kiện để xây dựng khu phát triển thương mại và văn hóa. Ảnh: Lại Tấn
Nhà nước duy trì các hoạt động đầu tư và dịch vụ công của Nhà nước đối với địa bàn có khu phát triển thương mại và văn hóa. UBND TP, UBND cấp xã ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch của TP tại khu phát triển thương mại và văn hóa.
Khu phát triển thương mại và văn hóa được ưu tiên đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; chỉnh trang các tuyến phố; tổ chức lại giao thông từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định. Cùng với đó, được ngân sách của TP hỗ trợ quảng bá, truyền thông, xúc tiến thương mại; được tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh...
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương chia sẻ, thực tiễn hiện nay có nhiều khu, mô hình giới thiệu làng nghề truyền thống rất ấn tượng, như khu Bát Tràng, cộng đồng dần cư quy tụ lại và phát triển văn hóa để tạo nguồn thu lớn hơn, tạo giá trị lớn hơn trong cộng đồng. Hoặc như Vinhomes Ocean Park tổ chức sự kiện nghệ thuật, ngoài việc bán vé thì cộng đồng dân cư được hưởng lợi... Đó là những manh nha ban đầu, cần gom lại và tạo cơ chế để phát triển khu thương mại và văn hóa.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có thể gom các cơ sở lại để đưa vào hoạt động phù hợp thực tiễn nhằm khai thác tối ưu các lợi thế về văn hóa.
Đến nay, làng gốm Bát Tràng đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của Hà Nội và là niềm tự hào của người dân Hà thành. Bát Tràng cũng được biết đến với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, 4 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, Văn Chỉ Bát Tràng...
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, việc xây dựng khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ góp phần giúp cho các di sản văn hóa của làng cổ Bát Tràng được gia tăng giá trị, phục vụ phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá từ tài nguyên văn hóa mang tính đặc thù của làng cổ Bát Tràng với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khu phát triển thương mại và văn hóa chính là một phương thức tổ chức lại không gian đô thị và nông thôn theo hướng linh hoạt, sáng tạo và bền vững, cho phép mỗi địa bàn, dù là một ngõ nhỏ trong phố cổ hay một làng nghề ngoại thành đều có thể trở thành một trung tâm văn hóa thu nhỏ.
Đặc biệt, mô hình này cũng góp phần khắc phục tình trạng “cộng cơ học” sau sáp nhập địa giới hành chính. Khi thương hiệu địa phương không còn là tên hành chính, thì chính các khu văn hóa – thương mại này sẽ giữ lại “hồn cốt” của từng vùng đất. Đó không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà là bảo vệ căn tính cộng đồng trong dòng chảy phát triển đô thị hóa và toàn cầu hóa.

Tầm nhìn văn hóa mới, kiến tạo giá trị mới
Kinhtedothi- Kỳ họp thứ 25 của HĐND Thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước, theo tinh thần Luật Thủ đô 2024, tại kỳ họp này, HĐND TP xem xét, thông qua hai nghị quyết về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại – văn hóa. Đây không chỉ là thực thi luật pháp, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hà Nội: kiến tạo thể chế đặc thù để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển mới, tạo ra những “cơ hội mới – giá trị mới” cho Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa Thủ đô
Kinhtedothi - Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8, Điều 21 Luật Thủ đô 2024) đang được lấy ý kiến Nhân dân. Trong đó quy định việc thành lập khu phát triển khu thương mại và văn hóa, đây là cơ sở quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề, phố nghề truyền thống gắn với du lịch của Thủ đô.

Phát triển phố đi bộ gắn với văn hóa, lịch sử
Kinhtedothi - Mới đây, UBND quận Ba Đình quyết định phê duyệt dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị để thực hiện đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận tại phố Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh.