4 người chết và mất tích do thiên tai
Số liệu của cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, từ 19h ngày 5/10 đến 19h ngày 8/10, các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Tân Đồng (Yên Bái) 269mm; Chợ Tràng (Nghệ An) 288mm; Thạch Xuân (Hà Tĩnh) 517mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 309mm…
Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất từ ngày 6-8/10 đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Trong đó, đáng chú ý khi có 3 người chết tại Yên Bái do sạt lở đất (ông Nguyễn Quyết Tiến, sinh năm 1959, bà Phạm Thị Viên, sinh năm 1962 và cháu Hoàng Thu Trang, sinh năm 2011). 1 người mất tích tại Thái Nguyên do lũ cuốn (anh Lâm Trung Đức, sinh năm 1994).
Bên cạnh thiệt hại về người, tại Yên Bái ghi nhận 2 nhà dân bị sập hoàn toàn, 53 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hại. 128ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (Yên Bái 92,5ha, Tuyên Quang 35,4ha); 45,5 ha cây công nghiệp bị hư hại và hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết (chủ yếu tại Yên Bái).
Mưa lũ cũng gây sạt lở đất đá nhiều điểm đường giao thông với khối lượng đất đá trên 12.300m3; 2 cây cầu bị cuốn trôi; 3 ngầm tràn bị gãy sập. Hiện, cơ quan chức năng các địa phương đang tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Mưa lũ mở rộng vào miền Trung
Theo nhận định của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày và đêm 9/10, khu vực Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm; khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 70mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: cấp 1.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lũ mở rộng vào các địa phương miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đề nghị tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, hiện nay Văn phòng thường trực vẫn đang tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
Nhận định diễn biến thiên tai còn rất phức tạp, ông Nguyễn Văn Tiến các tỉnh, TP Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa dông và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
Trước hậu quả lớn do thiên tai gây ra tại tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ và tìm kiếm nạn nhân còn mất tích do lũ cuốn; sớm ổn định đời sống cho người dân.
Hồi 4h ngày 9/10, vị trí tâm bão số 4 ở trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13, di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ khoảng 5km/h.
Dự báo trong 24h tới, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc, 111,0 độ kinh đông, trên vùng ven biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9,di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 10km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.