Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng rủi ro an ninh mạng

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 71% các cuộc tấn công mạng trong vòng 2 năm qua là nhắm tới DN. Điều này cho thấy bên cạnh những lợi ích to lớn thì phát triển kinh tế số cũng đi kèm với gia tăng rủi ro về an ninh mạng và là thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý.

Tổn thất 50 – 60 tỷ USD do tấn công mạng
Tại hội thảo “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng Việt Nam” tổ chức ngày 29/3, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) Hà Nội đã dẫn một báo cáo được công bố hồi tháng 7/2017 cho biết, tấn công mạng có thể gây ra tổn thất tới 50 – 60 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Với mức độ tổn thất nặng nề như vậy, đại diện Amcham khuyến cáo, các nền kinh tế trong đó có Việt Nam cần có chiến lược cụ thể về an ninh mạng để thúc đẩy nền kinh tế số, đồng thời có biện pháp giảm thiểu các cuộc tấn công mạng, rủi ro liên quan tới mạng.
  Việt Nam cần có chiến lược giảm thiểu các cuộc tấn công mạng.
Những con số do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) công bố tại hội thảo khiến nhiều người lo ngại: Hơn 35% trong tổng số 50 triệu người sử dụng internet ở Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử bị tấn công mạng là 2,4%. Điều này cho thấy nhận thức của người sử dụng về an ninh mạng và an toàn thông tin vẫn còn hạn chế.

Việt Nam đã có Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ 2016, nhưng người sử dụng các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội vẫn chưa thực sự nhận thức được mức độ nguy hiểm của các hành vi tấn công trên mạng, không trang bị các kiến thức cơ bản về việc bảo vệ an toàn các tài khoản cá nhân như tuân thủ các yêu cầu về mật khẩu. Chính điều này đã tạo ra “lỗ hổng” thuận lợi cho tội phạm mạng và các hành vi tấn công mạng, đánh cắp hoặc làm sai lệch các thông tin đời tư cá nhân.

"Bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận, những thành tựu của CNTT và các dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. " - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng

Còn nhớ 6 tháng trước, vụ việc hơn 1.900 máy tính ở Việt Nam có chứa virus WannaCry và hơn 52% máy tính tồn tại lỗ hổng có thể bị tấn công bởi mã độc này đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Tiếp đến tháng 12/2017, mã độc đào tiền ảo bùng phát và lây truyền qua Facebook làm hơn 23.000 máy tính nhiễm độc. Trước đó, năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị tin tặc tấn công; 841 máy chủ tại Việt Nam bị hacker rao bán quyền truy cập... gây tổn thất nặng nề cho các DN và cơ quan Chính phủ Việt Nam.

Vấn nạn tin giả và bảo vệ quyền riêng tư

Báo cáo của IPS đã chỉ ra 6 loại rủi ro mà người dùng Việt Nam đang phải đối mặt: Rủi ro mạng xã hội, rủi ro mã hóa dữ liệu, rủi ro điện toán đám mây, rủi ro đến từ dữ liệu lớn; rủi ro đến từ công nghệ internet vạn vật, rủi ro đến từ thiết bị cá nhân. Thực tế hiện nay là các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa còn khá lơi là với vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng. “Nếu các DN muốn lớn lên, muốn thoát khỏi quy mô nhỏ và vừa thì họ phải quan tâm tới việc bảo vệ thông tin, bảo đảm quyền riêng tư cho khách hàng. Hôm nay mua hàng online xong, ngày mai thông tin cá nhân, tài khoản đã bị đánh cắp, thậm chí bị móc tiền trong tài khoản thì sẽ chẳng ai dám sử dụng nữa” – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, vấn đề xâm phạm quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng đang rất nhức nhối. Ông Dũng nhắc đến vụ việc gần đây Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng bị tung tin đồn có “bồ nhí” trên mạng xã hội. Cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm. Nếu thông tin này là giả mạo, bịa đặt, nó sẽ là ví dụ điển hình cho những thách thức đối với cơ quan quản lý khi tội phạm dùng không gian số, internet, mạng xã hội để tấn công và gây mất uy tín cán bộ, mất ổn định trong Nhân dân. Yêu cầu đặt ra ở đây là pháp luật vừa phải bảo đảm tận dụng các cơ hội tạo ra dưới không gian số cho các tổ chức, cá nhân phát triển, đồng thời bảo vệ được quyền riêng tư của mỗi con người.