Đây là những thông tin được Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết tại Hội thảo hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới chiều 25/9.
Với thông điệp "Chủ động tránh thai, chủ động tương lai", chương trình được Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Công ty TNHH Bayer tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai. Đây cũng là lời kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế Nguyễn Doãn Tú phát biểu tại sự kiện. |
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy, nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai (ở vị thành niên và thành niên) còn cao. Phá thai lặp lại khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ ngày 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Qua điều tra, nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn là do những người này không áp dụng BPTT. Mặt khác, do thất bại của các BPTT (sử dụng không đúng cách, các BPTT truyền thống kém hiệu quả) và do nhu cầu không được đáp ứng - có nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp BPTT, không tiếp cận được dịch vụ.
Phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản như vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.
Thời gian qua, Tổng cục Dân số đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh thai an toàn. Trong đó, Chương trình "Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động" do Tổng cục Dân số phối hợp với Hội LHPN Việt Nam và Công ty Bayer Việt Nam thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Trong đó, năm 2017 Chương trình đã tổ chức liên tiếp 12 hội thảo chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em là cán bộ nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam tham gia. Đồng thời, có hơn 428.000 chị em phụ nữ trong cả nước đã sôi nổi tham gia cuộc thi online "Hiểu về tránh thai". Đây là kênh truyền thông trực tuyến giúp chị em kiểm tra kiến thức về phòng tránh thai với nguồn thông tin chính xác tin cậy.
Cùng với đó, Tổng cục Dân số tiếp tục nhân rộng mô hình hội thảo tư vấn và giao lưu chuyên sâu đến các đối tượng là cán bộ dân số địa phương. Đặc biệt, năm 2018, cuộc thi "Cùng viết nên câu chuyện truyền cảm hứng" đã được diễn ra nhằm tôn vinh những đóng góp không mệt mỏi của các cán bộ dân số. Kết thúc năm 2019, chương trình đã có hơn 25 triệu chị em phụ nữ cả nước được chính những cán bộ dân số tư vấn trực tiếp, bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp.
Lễ ký kết giữa Tổng Cục DS-KHHGĐ và Công ty Bayer Việt Nam về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của Chương trình. |
Cũng trong năm 2019, để thuận tiện hơn cho các cán bộ dân số cũng như chị em phụ nữ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chương trình đã cho ra mắt App Mobile với tên "Sống chủ động". Đây là nơi tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp phòng tránh thai, giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu biết về tránh thai thai an toàn một cách hiệu quả nhất.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Đặc biệt, Tổng cục Dân số chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các PTTT. Xã hội hóa dịch vụ và các PTTT, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau. Từ đó, dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số...
Nhân dịp này, Tổng Cục DS-KHHGĐ và Công ty Bayer Việt Nam đã thực hiện Lễ ký kết giữa 2 bên về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của Chương trình.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn. 56 triệu ca phá thai, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Chi phí điều trị hàng năm do phá thai không an toàn được ước tính là 553 triệu đô la Mỹ. |