Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá thành cao, người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang soạn thảo một đạo luật nông nghiệp, trong đó yêu cầu đưa cá tra và cá basa Việt Nam vào danh mục catfish nhằm kiểm soát ngặt nghèo sản phẩm nhập khẩu này.

KTĐT - Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang soạn thảo một đạo luật nông nghiệp, trong đó yêu cầu đưa cá tra và cá basa Việt Nam vào danh mục catfish nhằm kiểm soát ngặt nghèo sản phẩm nhập khẩu này.

Tuy dự luật mới được đưa ra lấy ý kiến nhưng đã có nhiều dư luận không đồng tình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên BCH Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh) xung quanh những yếu tố bất hợp lý của sự việc này.


Ông Cương cho biết: Đây là việc làm không có gì lạ lẫm. Vì cá tra là đối thủ cạnh tranh lớn với cá da trơn tại Mỹ. Tuy nhiên, theo dự luật này, nếu phía Mỹ nhất quyết áp đặt điều kiện nuôi và kiểm soát đối với cá tra Việt Nam thì giá thành sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng, khi đó chỉ người tiêu dùng Mỹ là chịu thiệt.

 

- Vì sao phía Mỹ liên tục gây khó khăn cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng cá tra và cá basa, thưa ông?


Ông Nguyễn Tử Cương: Việc Mỹ liên tục gây khó khăn cho cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này là có nguyên nhân của nó. Vì người dân ở khu vực các bang Alabama, Mississippi… chủ yếu nuôi cá da trơn ở Mỹ. Lúc đầu, để có điều kiện sản xuất, họ xin tiền Chính phủ Mỹ để nuôi tôm và cá nheo. Nhưng nuôi tôm không thành công, họ chỉ thành công ở cá nheo. Song dân Mỹ lúc đó chưa biết ăn cá nheo nên họ phải mất rất nhiều chi phí cho việc tiếp thị. Do đó, giá thành sản phẩm cá da trơn của Mỹ rất cao, khoảng 5 - 6USD/kg (năm 2003), trong khi cá tra của Việt Nam nhập khẩu sang chỉ bán 2,3USD/kg. Không những thế, cá tra Việt Nam lại có thịt trắng hơn, mùi vị thơm ngon hơn cá nheo của Mỹ nên người tiêu dùng Mỹ rất thích ăn cá tra. Để bảo hộ cho người nuôi cá nheo, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có nhiều động tác nhằm hạn chế cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.  


- Ông đánh giá thế nào về những rào cản mà phía Mỹ gây ra cho cá tra Việt Nam. Phía Việt Nam đã làm thế nào để vượt qua được những rào cản đó? 


 
Ông Nguyễn Tử Cương: Ngay từ năm 2003, khi mới "đặt chân" vào thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam đã không được gọi tên theo đúng thông lệ quốc tế, đó là catfish (cá da trơn), mặc dù cá tra và basa của ta đều là cá da trơn, không có vẩy. Nhưng vì lúc đó nước ta chưa tham gia Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) nên chúng ta phải chấp nhận cách gọi của Mỹ. Sau đó, phía Mỹ lại thay đổi tên gọi đối với cá tra Việt Nam; có khu vực gọi là swai, có khu vực gọi là Pangasiidae khiến người tiêu dùng rất khó xác định. Từ việc thay đổi tên gọi, chúng ta đã phải mất rất nhiều tiền để tiếp thị nhằm kéo người tiêu dùng Mỹ quay lại sử dụng.


Sau đó không lâu, Mỹ tiếp tục tạo ra một rào cản khác là đánh thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam (vì cá tra Việt Nam bán quá rẻ). Tuy nhiên, việc áp các mức thuế phức tạp, kéo dài đã không ảnh hưởng lớn tới ngành nuôi cá tra Việt Nam. Từ lúc bị đánh thuế đến lúc chúng ta đấu tranh được giảm thuế, Việt Nam đã mở rộng từ 13 thị trường lên 130 thị trường. Do đó, sau gần 10 năm bị gây khó, ngành nuôi cá tra Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Đến nay, cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chỉ còn bị đánh thuế rất ít, không đáng kể.


- Trong Dự luật mà Mỹ đang soạn thảo, Bộ Nông nghiệp nước nàyyêu cầu đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào danh mục catfish để kiểm tra nghiêm ngặt tới mức Việt Nam khó có thể tuân thủ. Theo ông, sự phi lý của điều luật đó nằm ở chỗ nào và tác động ra sao đến người tiêu dùng Mỹ?


Ông Nguyễn Tử Cương: Theo điều luật này, phía Mỹ đưa ra các yêu cầu về kiểm tra điều kiện nuôi và kiểm tra từng lô hàng. Tuy nhiên, việc kiểm tra đó họ không giao cho mình mà trực tiếp sang tận Việt Nam để làm. Điều đó sẽ gây rất nhiều phiền nhiễu và tốn kém. Theo tôi biết, điều luật đó đang bị dư luận, người dân và hệ thống bán lẻ của Mỹ rất phản đối. Suy cho cùng, nếu giá thành của sản phẩm cá tra nhập khẩu vào Mỹ cao lên thì chỉ có người tiêu dùng của họ là thiệt thòi.


Hiện chúng ta đang có 142 thị trường tiêu thụ cá tra, nếu bỏ đi thị trường Mỹ cũng không có gì khó khăn. Vì thế tôi nghĩ, nếu cân nhắc kỹ thì phía Mỹ chưa chắc đã thực hiện điều luật đó. Trong một số lần trả lời phỏng vấn báo chí, tôi từng nói rằng: Nếu tôi là nhà quản lý của Mỹ, thay vì đánh thuế cá tra Việt Nam thì phía Mỹ nên đầu tư cho người nuôi cá da trơn ở Mỹ và tạo điều kiện cho họ sang Việt Nam để học hỏi công nghệ nuôi cá tra của Việt Nam. Bởi trên thực tế, qua rất nhiều lần kiểm tra của các đoàn kiểm tra quốc tế, cá tra Việt Nam chưa gặp bất cứ vi phạm gì.


- Để phù hợp với thị trường đa dạng của các quốc gia trên thế giới, ông có lời khuyên nào cho ngành nuôi cá tra Việt Nam


Ông Nguyễn Tử Cương: Tôi chỉ xin nhắc nhở rằng, đối với mặt hàng nào cũng vậy, khi chúng ta có lượng hàng quá ít, chưa là đối thủ cạnh tranh thì chưa ai để ý. Nhưng khi đã mạnh thì người ta sẽ tìm mọi biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, có những biện pháp có cơ sở, có những biện pháp không có cơ sở.Khi đó, chúng ta cần hết sức bình tĩnh xem xét nhằm đưa ra cách giải quyết tốt nhất.


Còn đối với nghề nuôi, nuôi cá hay nuôi bất cứ con gì, nếu đáp ứng được 4 tiêu chí về an toàn sản phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội thì đều có thể tham gia vào tất cả thị trường trên thế giới. Bởi khi đó, sản phẩm đã đạt tiêu chí bền vững.


- Xin cảm ơn ông!

 

Về việc Mỹ đề xuất đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào danh mục catfish, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Năm 2002, phía Mỹ đã yêu cầu Việt Nam không được sử dụng tên catfish ghi trên bao bì khi xuất khẩu vào thị trường này. Chúng ta đã chấp nhận cá tra, basa không phải là catfish thì nay không có lý do gì để quay lại với cụm từ trên".