Giá thép xây dựng liên tục tăng, nghi vấn đầu cơ tăng giá?

Thành Luân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một tháng trở lại đây, các hãng thép nội địa liên tục điều chỉnh tăng giá bán thép. Có những thời điểm giá đã thiết lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 17.000 đồng/kg.

Giá thép tăng kỷ lục
Lần gần đây nhất, vào ngày 8/5, các hãng thép bất ngờ có đợt thông báo tăng giá bán các sản phẩm, đồng thời đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 30 ngày qua được thiết lập.
Hầu như các thương hiệu thép của những ông lớn trong ngành đều đã tăng giá sản phẩm, vượt ngưỡng 17.000 đồng/kg. Cụ thể, tại thị trường miền Bắc, với thương hiệu thép Hòa Phát đã tăng giá bán các sản phẩm của hãng, thiết lập kỷ lục mới và cao nhất trong vòng 30 ngày qua. Với thép cuộn CB240 đang ở mức 17.360 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng mạnh lên mức 17.310 đồng/kg
Thương hiệu thép Việt Ý cũng tăng mạnh về giá, vượt ngưỡng 17.000 đồng. 2 sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 có giá 17.360 đồng/kg. Còn thép D10 CB300 hiện có giá là 17.050 đồng/kg.
Giá thép từ đầu năm đến nay không ngừng biến động.
Điều đáng nói, trong vòng một tháng, giá thép ban đầu dao động ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg đã tăng khoảng hơn 2.000 đồng/kg, chạm mức 16.500 - 17.500 đồng/kg là những mức cao kỷ lục và so với đầu tháng 12/2020 đây là giá cao nhất trong 5 năm qua.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Phan Anh - chủ một đại lý phân phối thép tại phố Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lý giải, một trong những nguyên nhân khiến giá thép tăng là do giá nguyên liệu nhập đầu vào (quặng sắt, thép cuộn cán nóng) tăng đột biến trên thị trường toàn cầu, đồng thời do thiếu tàu, container rỗng để vận chuyển khiến chi phí vận tải biển tăng, điều này dẫn đến thép xây dựng bị đội giá lên nhiều lần.
"Thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang có những điều chỉnh nhằm cắt giảm, kiểm soát sản lượng thép để bảo vệ môi trường, nhiều TP đã giảm tới tận 30% năng lực sản xuất. Dẫn đến các sản phẩm, trong đó có thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng... đều trong tình trạng tăng giá" - ông Phan Anh cho biết.
Các chuyên gia ngành thép dự báo xu hướng diễn biến giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều dự báo trước đó cho rằng, giá thép chỉ tăng tối đa đến quý II/2021, tuy nhiên với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác, giá thép có thể tăng đến hết quý III/2021.
Nghi vấn tình trạng đầu cơ giá?
Cũng theo ông Phan Anh, nhiều đơn vị mua thép để tiến hành các công trình xây dựng đã phải dừng dự án, ngừng mua hàng do tình trạng giá thép hiện tại tăng lên từng ngày khiến gói thầu phát sinh, vượt 30% so với dự toán. Các DN đều mong muốn rằng cần có một cơ chế, biện pháp bảo vệ nhà thầu xây dựng, cũng như triệt để nguyên nhân tình trạng giá thép đăng đột biến như hiện nay.
Đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, có một khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước. Đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.
Các chuyên gia và nhà quản lý nhận định không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp đang đầu cơ thép.
"Các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo này không cập nhật được biến động giá kịp thời nên nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này" - đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay.
Giá cả thép tăng cao dẫn đến tình trạng các nhà thầu xây dựng trong nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản rất cao. Nhưng thời điểm tăng giá này không hợp lý, khi nguồn cung trong nước không thiếu so với nhu cầu thép và cầu thì rất hạn chế do gần như các công trình xây dựng đã tạm dừng.         
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong quý I/2021 tăng khá cao. Với sản xuất thép các loại đạt 7,66 triệu tấn, tăng 33,8% so với  cùng kỳ 2020; Bán hàng đạt 6,78 triệu tấn, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2020, trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 1,63 triệu tấn, tăng 59,5% so với quý I/2020. VSA dự báo tháng 4 và 5 nhu cầu vẫn tốt song có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán sẽ có khả năng tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Về phía Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho biết, năng lực thị trường trong nước sản xuất được khoảng 14 triệu tấn thép xây dựng, trong khi nhu cầu thép xây dựng trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn. Như vậy, cung hoàn toàn đáp ứng đủ cầu mặt hàng này.
“Việc nguồn cung trong nước về thép xây dựng không thiếu so với cuối năm 2020 - thời điểm đó giá thép tăng cao, vì nguồn cung thiếu hụt, nhưng việc tăng giá bán tại thời điểm này lên rất cao dẫn đến nhiều DN đặt câu hỏi liệu rằng có tình trạng đầu cơ, tích trữ khi giá thép đang trên đà tăng” - đại diện Cục Công nghiệp nhận định.
Đại diện Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc Nam cho biết, một dự án xây dựng, thép chiếm một vị trí quan trọng trong tổng giá trị dự án, vì thế sự biến động giá mặt hàng này có thể dẫn đến tình trạng các nhà thầu xây dựng trong nước đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản. Nhưng thời điểm tăng giá này không hợp lý, khi nguồn cung trong nước không thiếu so với nhu cầu thép và cầu thì rất hạn chế do gần như các công trình xây dựng đã tạm dừng.