Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá thịt lợn đang giảm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 tấn trong quý I/2020

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/1/2020, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Sở Công Thương các tỉnh thành cho biết, trong vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi ở nhiều tỉnh Tây Nam Bộ đã có xu hướng sụt giảm gần 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2019, về mức dưới 80.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn đang giảm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc cũng giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn dưới 90.000 đồng/kg; có tỉnh chỉ còn khoảng 86.000đồng/kg. Giá lợn hơi giảm một phần do các tập đoàn lớn trong ngành chăn nuôi lợn đã tham gia bình ổn giá mặt hàng này với mức giá bán ổn định là 83.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá vào cuối tháng 12 năm 2019, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn, từ nay tới hết quý I năm 2020 nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn tại thị trường trong nước.
Tại thời điểm hiện nay, các nước phát triển cũng đang vào thời điểm nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2020, khi nhu cầu tăng cao, giá bán thịt lợn tại các nước này cũng đã có xu hướng tăng so với thời gian trước, kéo theo việc ảnh hưởng đến giá nhập khẩu về Việt Nam.
Theo tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, từ giữa tháng 11/2019 cho đến nay, giá nhập khẩu bình quân đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh. Nếu như vào thời điểm các tháng thuộc quý II - quý III trong năm 2019, nhu cầu nhập khẩu thường là các loại sản phẩm như móng giò, tim, cật, tai, đuôi, xương thì đến nay, vào thời điểm 2 tháng trước Tết Nguyên đán, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam lại chủ yếu tập trung nhập khẩu thịt cắt mảnh tươi, ướp lạnh, đông lạnh các loại như nạc thăn, vai, mông, sườn, ba chỉ..., khiến cho giá bán của các loại thịt này tại một số nước thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ cũng tăng theo.
Cục Xuất nhập khẩu đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương, kết quả đã có khoảng trên 50 doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.
Liên quan đến sự việc, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản lượng thịt lợn năm 2019 giảm sâu, khoảng gần 14%, so với năm 2018. Trong tháng 12 năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đã được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn, tuy nhiên tốc độ còn chậm do tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi vẫn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh.
Cũng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 12 năm 2019, tổng đàn lợn của cả nước giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 3,29 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.