Giá thịt lợn hơi đang tăng trở lại: Cơ hội để người chăn nuôi tái đàn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, dịch Covid-19 và giãn cách xã hội vừa qua cũng cho thấy chúng ta phải nhìn nhận lại ngành chăn nuôi, một cách tổng thể, nắm bắt rõ từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ đến chăn nuôi có tổ chức, tập trung để từ đó xây dựng, hoạch định chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra hoạt động chăn nuôi tại hộ chăn nuôi xã Kim Thư (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đi khảo sát thực tế tình hình chăn nuôi tại Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long và hộ chăn nuôi ở xã Kim Thư (huyện Thanh Oai), siêu thị MM Mega Market tại quận Hà Đông.

Qua kiểm tra thực thế cho thấy, giá thịt lợn hơi đang tăng dần từng ngày và dự kiến tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các hộ tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tháng cuối năm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra hoạt động chăn nuôi tại Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc

Giá thịt lợn hơi tăng từng ngày

Chia sẻ về tinh hình hoạt động chăn nuôi, Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay hợp tác xã đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và 5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Ngày 23/10, giá thịt lợn hơi đã tăng lên gần 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thanh, hộ chăn nuôi ở xã Kim Thư  đang nuôi 40 con lợn thịt, 5 lợn nái. Ông Thanh cho biết, tuần trước vừa xuất bán 40 con lợn thịt với giá 35.000 đồng/kg. Hiện, đã bắt tay vào tái đàn với 100 lợn giống phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần và sau Tết. Nhờ chủ động về con giống nên không lo về đầu vào, chỉ có băn khoăn về giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện giá thịt lợn đang tăng dần từng ngày và các trang trại trên địa bàn TP đang bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg và dự đoán giá thịt lợn hơi sẽ tăng dần lên và có thể lên tới 70.000- 80.000 đồng/kg vào dịp cuối năm. “Người chăn nuôi sẽ có lãi, không quá lo lắng vì đó là quy luật thị trường. Và với mức giá 50.000 đồng/kg là người chăn nuôi bắt đầu có lãi”- ông Nguyễn Đức Thanh cho biết thêm.

Tăng liên kết để chia sẻ rủi ro

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng toàn TP ước tính 168.000 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 3 tháng cuối năm 2021 là 62.000 tấn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi Hà Nội chịu tác động mạnh. Giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, con giống biến động tuỳ từng thời điểm, không ổn định, gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, buổi đi thực tế hôm nay nhằm tìm hiểu kỹ toàn ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi của Hà Nội. Trong 3-4 ngày qua giá thịt lợn hơi có sự chênh lệch lớn từ 33.000 lên đến gần 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do các lò giết mổ đã hoạt động trở lại, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, nhà máy đã hoạt động... nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đã tăng lên nên thịt lợn hơi có tín hiệu tăng dần lên.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khảo sát giá thịt lợn tại siêu thị MM Mega market (quận Hà Đông). Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giải pháp hiện nay để bình ổn giá thịt lợn là cần thiết nhưng cần xem xét kỹ để có giải pháp tác động vào yếu tố cốt lõi, đó chính là thị trường. Theo đó, cần kích hoạt các bếp ăn tập thể, nhà hàng, hoạt động du lịch. Các địa phương trên cả nước thống nhất về biện pháp bảo đảm giao thông đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận lợi trong điều kiện bình thường mới.

“Dịch Covid-19 và giãn cách xã hội vừa qua cũng cho thấy chúng ta phải nhìn nhận lại ngành chăn nuôi, một cách tổng thể, nắm bắt rõ từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ đến chăn nuôi có tổ chức, tập trung để từ đó xây dựng, hoạch định chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh chính sách về tăng cường liên kết chuỗi chăn nuôi nhằm chia sẻ rủi ro cho người nông dân. Đây là yếu tố quan trong để tạo nên hệ sinh thái chăn nuôi bền vững, giải quyết bài toán rủi ro về dịch bệnh và rủi ro về thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục hình thành các cơ sở chế biến nhỏ, lò giết mổ, kho lạnh bảo quản ở các vùng chăn nuôi tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến.

“Làm sao để ngành chăn nuôi không chỉ dừng lại bán thịt lợn hơi, sản phẩm thô mà phải chuyên nghiệp hoá đến các sản phẩm tinh. Ngành chăn nuôi không chỉ dừng lại ở chăn nuôi mà cần phải kéo dài chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng giá trị và hướng tới phát triển bền vững” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.