Giá tiêu hôm nay 1/2: Sản lượng giảm, nhu cầu tăng đẩy giá tăng tốt

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 1/2 trong khoảng 80.000 - 82.500 đồng/kg. Ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, giá tiêu đi ngang ở các địa phương.

Giá tiêu hôm nay 1/2: Sản lượng giảm, nhu cầu tăng tiếp tục đẩy hồ tiêu tăng tốt năm 2022  
Giá tiêu hôm nay 1/2: Sản lượng giảm, nhu cầu tăng tiếp tục đẩy hồ tiêu tăng tốt năm 2022  

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 82.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.500 đồng/kg.

Ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, giá tiêu hôm nay đi ngang ở các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Kết thúc tháng 1/2022, giá tiêu tăng 500 đồng/kg tại các địa phương.

Ngay sau Tết, các địa phương sẽ bắt đầu thu hoạch rộ hồ tiêu vụ mới. Thời gian qua, một số nơi ở Đắk Nông và Bình Phước, Đồng Nai ghi nhận vài vườn tiêu đã cho thu hái. Nhận định chung, sản lượng năm nay tiếp tục sụt giảm. Còn thực tế đánh giá như thế nào đang đợi 2 đợt khảo sát vào cuối tháng này của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam để có cái nhìn toàn cảnh về vụ tiêu năm nay.

Vụ thu hoạch hồ tiêu tại Việt Nam năm 2022 sẽ bắt đầu muộn hơn vài tuần so với mọi năm và cao điểm thu hoạch sẽ vào khoảng tháng 3 đến tháng 5. Các điều kiện thời tiết khác nhau giữa các khu vực dẫn đến chênh lệch về sản lượng tại các vùng sản xuất trọng điểm. Nedspice ước tính vụ sản xuất năm 2022 của Việt Nam tiếp tục giảm 10% xuống còn 188.000 tấn. Trên bình diện toàn cầu, Sản lượng giảm ở Việt Nam sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng ở các nước sản xuất khác.

PTEXIM Corp dự kiến sản lượng của Việt Nam giảm 10 - 15% so với năm trước xuống còn 200.000 tấn; sản lượng của Ấn Độ dự kiến giảm xuống còn 60.000 tấn; Indonesia là 50.000 tấn; riêng Brazil tăng 10-15% lên mức 105.000 tấn.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và một số nước sản xuất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá tiêu xuống thấp trong giai đoạn 2018 - 2020 khiến nông dân giảm đầu tư, chăm sóc dẫn đến diện tích và năng suất giảm. Đồng thời tác động của dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu nhân công. Sản lượng giảm cũng kéo theo lượng hàng tồn kho giảm theo.

Như vậy, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sẽ không thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, chênh lệch cung - cầu đang dần thu hẹp trong những năm gần đây. Sản lượng tại Việt Nam, nước sản xuất lớn nhất thế giới liên tiếp giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ Mỹ và châu Âu tiếp tục cho thấy xu hướng hồi phục. Điều này dự kiến sẽ tác động tích cực đến giá hồ tiêu trong năm 2022 và thậm chí là cả năm 2023. Ngoài ra, chi phí đầu vào như nhân công, phân bón, xăng dầu, giá cước vận tải tăng cao dự kiến đẩy giá hồ tiêu trong năm 2022.