Giá tiêu hôm nay 10/10: 4 ngày tăng đẩy giá tiêu vượt mốc 85.000 đồng/kg, chênh lệch các vùng được thu hẹp

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 10/10 trong khoảng 81.500 - 85.000 đồng/kg. Kể từ đầu tháng, giá tiêu trong nước đã tăng trung bình 3.500 - 4.500 đồng/kg, vượt mốc 85.000 đồng/kg tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Giá tiêu hôm nay 10/10: 4 ngày tăng liên tiếp đẩy giá tiêu vượt mốc 85.000 đồng/kg, chênh lệch các vùng được thu hẹp

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 81.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp trong đợt điều chỉnh tăng lần 3 kể từ đầu tháng. Kể từ đầu tháng, giá tiêu trong nước đã tăng trung bình 3.500 - 4.500 đồng/kg, vượt mốc 85.000 đồng/kg tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng chú ý, chênh lệch giá tiêu giữa các tỉnh, thành, khu vực đã được thu hẹp.

Trải qua 10 ngày đầu tháng 10/2021, giá tiêu đã tăng rất tốt. Cả tháng 9/2021, giá tiêu tăng 3.500 đồng/kg. Nguyên nhân giá tiêu vẫn duy trì mức tăng do nguồn cung tiếp tục giảm sút, trong khi nhu cầu thế giới cao do vào mùa lễ tết cuối năm. Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách để khôi phục kinh tế đã tác động tích cực đến thị trường hồ tiêu từ đầu tháng đến nay.

Vụ mùa vừa qua, không chỉ Việt Nam bị mất mùa mà hồ tiêu tại các nước Brazil, Malaysia, Indonesia cũng bị suy giảm. Nhìn vào con số Indonesia là quốc gia xuất khẩu tiêu trắng chủ yếu sang Việt Nam đạt 5.047 tấn. Tuy nhiên tháng 9 - thời kỳ thu hoạch tiêu cả nước này - lượng xuất khẩu sang Việt Nam chỉ tăng nhẹ (0,9%). Điều này cho thấy, sản lượng của quốc gia này chủ yếu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong bối cảnh sản lượng trong nước giảm sút, lượng hồ tiêu dự trữ cạn kiệt, Việt Nam buộc đẩy mạnh nhập khẩu từ các nước. Nhưng sản lượng nhập về cũng không tăng được bao nhiêu. Từ đầu năm, số tiêu từ Campuchia sang Việt Nam tăng cao nhất, đến 79,7%, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) từng nhận định, trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hồ tiêu ở Campuchia ít được thâm canh, nhưng năng suất luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất của Việt Nam chỉ bằng một nửa quốc gia láng giềng này. Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, trong đó Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường mua nhiều nhất.

Gần đây người dân và doanh nghiệp Việt có xu hướng sang Campuchia thuê đất nông nghiệp. Lý do là bởi quỹ đất nông nghiệp của quốc gia này còn rất lớn, giá thuê thấp, chi phí thuê lao động làm việc cũng rẻ hơn so với Việt Nam. Đến khi thu hoạch, những loại nông sản này được đưa trở lại Việt Nam để tiêu thụ. Như vậy, sẽ có lợi hơn về giá thành so với khi thuê đất nông nghiệp ở nước ta để sản xuất. Đây cũng là một phần lý do nông sản Campuchia xuất sang Việt Nam tăng mạnh như hiện nay.