Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 13/9: Loanh quanh mốc 50.000 đồng/kg, giải pháp nào cho ngành tiêu Việt?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 13/9/2020 ở Tây Nguyên và miền Nam đang đi ngang. Trong tuần này giá tiêu giữ ổn định tại hầu hết các địa phương, tăng giảm 500 đồng/kg ở Gia Lai, Đồng Nai.

Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu đầu giờ sáng hôm nay 13/9/2020 dao động trong khoảng 47.500 - 50.000 đồng/kg. Như vậy, trong tuần này giá tiêu giữ ổn định tại hầu hết các địa phương, tăng giảm 500 đồng/kg ở Gia Lai, Đồng Nai.
Giá tiêu hôm nay 13/9: Loanh quanh mốc 50.000 đồng/kg, giải pháp nào cho ngành tiêu Việt?
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay hiện được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 47.500 đồng/kg.

Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 47.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay vẫn được thu mua 50.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 49.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ chốt ở mức 34.000 rupee/tạ; giá giao tháng 8/2020 tăng 100 rupee/tạ (0,29%), ở mức 34.600 rupee/tạ. Tính chung tuần này giá tiêu trên sàn Kochi tăng nhẹ.

Giá tiêu xuất khẩu tháng 8/2020 có xu hướng tăng tại Ấn Độ và Việt Nam, ổn định tại Brazil và Malaysia, giảm tại Indonesia. Cụ thể, giá tiêu giao tại cảng của Ấn Độ đã tăng 157 USD/tấn, Việt Nam tăng 100 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu tại Indonesia giảm 143 USD/tấn.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 10/9/2020 đến ngày 16/9/2020 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 314,53 VND/INR.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng một nửa sản lượng hồ tiêu của toàn cầu. 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở nội địa. Trong sản lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đã bao gồm sản phẩm tiêu chế biến của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: Tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: Tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10- 15% tổng sản lượng.

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng hạt tiêu có 18 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 70.000 - 80.000 tấn/năm.

Trong đó, có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, có sản phẩm chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc tế: ESA, ASTA… Tỉ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,4%. Chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65% sản lượng.

Do đó, theo các chuyên gia, giải pháp dài hơi cho vấn đề này là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, sau đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển cây tiêu bền vững.