Giá tiêu hôm nay 13/7: Khách hàng bỏ tiêu Việt mua tiêu Brazil, VPA kêu cứu

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 13/7 trong khoảng 73.000 - 75.500 đồng/kg. Xuất khẩu của Việt Nam tương đối hạn chế trong những tháng đầu năm nay khiến nhà nhập khẩu phần nào chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác như Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Campuchia…

Giá tiêu hôm nay 13/7: Khách hàng bỏ tiêu Việt mua tiêu Brazil, VPA kêu cứu
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 73.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 73.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 75.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu tiếp tục đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giữ nguyên ở mức 42.000 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 8-14/7/2021 là 310,72 VND/IRN. Giá tiêu Ấn Độ cũng đang có chuỗi ngày đi ngang.

Trong tình hình dịch Covid-19 lan rộng, Mỹ và các nước Ả Rập tiếp tục tăng nhập khẩu trong khi Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu lại giảm đáng kể lượng mua vào.

Về xu hướng tiêu dùng, các nhà nhập khẩu lớn đang chuyển sang nhập khẩu hạt tiêu đã xay hoặc nghiền và giảm đối với tiêu nguyên hạt. Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tương đối hạn chế trong những tháng đầu năm nay khiến các nhà nhập khẩu phần nào chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác như Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Campuchia… Nguyên nhân do giá cước vận tải tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng trên toàn cầu.

Vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có văn bản gửi các bộ ngành phản ánh về việc cước vận chuyển tăng quá cao. VPA đánh giá: Lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm ngoài yếu tố sản lượng năm 2021 giảm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì chi phí logistics là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao và không có dấu hiệu ngừng lại, với lý do chính hãng vận chuyển đưa ra là hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt container. Đáng chú ý, VPA đưa ra thông tin xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ, qua đó khẳng định ''thông tin thiếu container rỗng từ các hãng tàu đưa ra là hoàn toàn không chính xác''.

VPA cho biết thêm, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam, và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

''Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU và cứ tiếp tục như vậy, nông sản Việt Nam sẽ đi về đâu? Nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh đang hết sức cấp bách'', VPA đặt câu hỏi.

Để giải quyết tình trạng trên, VPA đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tác động yêu cầu các hãng vận chuyển công khai, minh bạch giá cước vận chuyển trên website chính thức của công ty, công bố lộ trình biểu phí rõ ràng.

Đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đối thoại trực tiếp với các hãng tàu lớn yêu cầu các đơn vị đại lý hãng tàu áp dụng mức tăng giá chung tránh việc nhiễu loạn giá cước như hiện nay, chấm dứt hiện tượng các FWD lạm quyền o ép doanh nghiệp.

Đồng thời làm rõ vai trò chức năng các FWD (các đại lý hãng tàu), tuyệt đối không cho phép hiện tượng đại lý tự tung tự tác, mua chỗ từ hãng tàu, sau đó cộng chênh lệch cao bất thường và bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.