Giá tiêu hôm nay 14/2: Tăng 60%, cần làm gì để tránh vết xe đổ?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 14/2 trong khoảng 82.500 - 85.500 đồng/kg. So với cách đây 1 năm, giá tiêu trong nước tăng tới hơn 60%.

Giá tiêu hôm nay 14/2: Tăng 60%, cần làm gì để tránh vết xe đổ?
Giá tiêu hôm nay 14/2: Tăng 60%, cần làm gì để tránh vết xe đổ?

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 82.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 85.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay giữ ổn định ở các tỉnh trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường tuần qua sau 5 ngày tăng liên tiếp từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đi ngang ở ngày cuối tuần. Tính chung tuần trước, giá tiêu trong nước tăng 2.500 - 3.500 đồng/kg. Đông Nam Bộ là khu vực tăng mạnh hơn và có mức giá cao nhất hiện nay. So với cách đây 1 năm, giá tiêu trong nước tăng tới hơn 60%. Ngày 14/2/2021, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 51.500 đồng/kg, ở Bà Rịa - Vũng Tàu là 53.500 đồng/kg.

Sau Tết Nguyên đán thị trường trong nước đang dần trở nên sôi động, các vùng trồng trọng điểm bắt đầu bước vào thu hoạch hồ tiêu vụ mới.

Tại tỉnh Lâm Đồng có gần 2.000 ha hồ tiêu, sản lượng khoảng 6.500 tấn, được trồng tập trung ở các huyện: Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đạ Huoai… Tuần trước Tết Nguyên đán, tại các huyện: Đức Trọng, Đam Rông, Cát Tiên, khoảng 40 ha tiêu bị thán thư, tuyến trùng, chết chậm, khảm lá…

Ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, hồ tiêu được giá, bên cạnh việc đầu tư, chăm sóc cây trồng, nhiều nhà vườn còn ưu tiên tái canh những diện tích tiêu cho năng suất, chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, với những diện tích tiêu đã chết hoặc bị bệnh nặng, bà con nên chuyển sang trồng những loại cây khác, tuyệt đối không trồng lại hồ tiêu nơi vị trí cũ, vì rất dễ bị nấm bệnh gây hại. Những vườn tiêu trồng bằng trụ chết, cần nhanh chóng trồng cây trụ sống thay thế hoặc trồng xen cây che bóng, nhằm giảm áp lực bệnh và đảm bảo thu nhập thường xuyên.

Để tăng tính bềm vững cho hồ tiêu, bà con cần giảm dần lượng phân vô cơ, tăng phân chuồng có xử lý chế phẩm Trichoderma; không sử dụng các loại kích thích sinh trưởng, phân bón lá; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên cây tiêu và thuốc bị các nước nhập khẩu cảnh báo hoặc cấm sử dụng trên hồ tiêu.

Tại tỉnh Bình Phước, hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh với diện tích gần 16.000ha. Trong những năm vừa qua, giá cả thu mua hồ tiêu thấp nên sự tập trung và chú trọng đầu tư của người dân là rất ít. Nhiều hộ không chú trọng chăm vườn, thăm vườn nên một số diện tích tiêu chết, sâu bệnh đồng loạt, kém năng suất, diện tích giảm...

Trước giá tiêu dần phục hồi, ngành nông nghiệp Bình Phước đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích để đảm bảo quy hoạch; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "nông nghiệp sạch," xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao... giúp người trồng tiêu ổn định cuộc sống, tránh điệp khúc chặt-trồng chạy theo giá cả của các mặt hàng nông nghiệp khác, tránh đi vào vết xe đổ của giai đoạn trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần