Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 15/8: Dứt đà tăng khi xuất khẩu điều chỉnh mua, cả tuần vẫn thêm 1.000 - 1.500 đồng/kg

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 15/8 trong khoảng 76.000 - 78.500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu giảm 500 đồng/kg. Tính chung tuần này, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.500 đồng/kg, các tỉnh Đông Nam Bộ tăng 1.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 15/8: Dứt đà tăng khi xuất khẩu điều chỉnh mua, cả tuần vẫn thêm 1.000 - 1.500 đồng/kg
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 77.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 78.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 77.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu giảm 500 đồng/kg tại các địa phương so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Tính chung tuần này, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.500 đồng/kg, các tỉnh Đông Nam Bộ tăng 1.000 đồng/kg.

Đúng như dự đoán của giới quan sát, khi thị trường trong nước chưa kịp cán mốc 80.000 đồng/kg đã có động thái điều chỉnh từ phía các công ty xuất khẩu. Sau thời gian tăng mua để bù lại lượng dữ trự tiêu đã bán tháng 7/2021, khi đã đủ hàng cũng là lúc thị trường "giảm nhiệt". Với tình hình hiện nay, xuất khẩu tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc đã phải đóng cửa một phần cảng container có hoạt động sầm uất thứ 3 thế giới vì Covid-19, thì động thái trên cũng là điều dễ lường trước.

Hiện hồ tiêu vẫn còn ùn lại ở các cảng phía Nam khá nhiều. Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) thông tin: Dịch bệnh xảy ra đã làm cho các hãng tàu và container vốn đã khó gặp nhau, giờ càng khó hơn. Bên cạnh đó, nhân viên giao nhận, làm chứng từ và đội ngũ lái xe cũng gặp khó khi đi từ vùng dịch về, buộc phải cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo ông Hiệp, Công ty đang tồn khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm gồm cà phê và hồ tiêu chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, còn do thiếu tàu, container, xe vận chuyển, nhân công… “Hiện các khu công nghiệp lớn có chi nhánh của Công ty như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh gần như bị tê liệt do dịch bệnh. Do vậy, việc xuất khẩu hàng của Công ty đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Theo đó, chi phí đầu vào tăng cao do hàng tồn kho không xuất được, phải thuê kho bãi để chứa hàng, rồi chi phí nhân công…”-ông Hiệp chia sẻ.

Giới thương nhân cho rằng nhu cầu tăng mua của thị trường phía Bắc cho kỳ Lễ Quốc Khánh sắp tới sẽ giúp giảm bớt sự dồn ứ này. Đây cũng thông tin tích cực cho thị trường nửa cuối tháng 8/2021.

Thị trường cũng đang đón nhận tin tốt từ dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 7/2021 đạt 26.339 tấn hạt tiêu các loại, giảm 6.816 tấn (20,56%) so với tháng trước nhưng lại tăng 8.337 tấn (46,31%) so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng đạt 95,13 triệu USD, giảm 23,57 triệu USD, tức giảm 19,85 % so với tháng trước nhưng lại tăng 50,26 triệu USD, tức tăng 112,03 % so với cùng kỳ năm trước. Như vậy xuất khẩu hồ tiêu tháng 7/2021 lượng giảm nhưng giá vẫn tăng.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 33,35 rupee/tạ, ở mức 41.300 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 12/8/2021 đến ngày 18/8/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,41 VND/INR. Giá tiêu Ấn Độ đang có chuỗi ngày đi ngang liên tiếp.