Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 18/11: Biến động ở Gia Lai, tiêu Việt cần đẩy nhanh tái cơ cấu để tăng giá trị

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 18/11 trong khoảng 82.000 - 85.000 đồng/kg. So với đầu năm giá tiêu trong nước đã tăng trưởng rất tốt. 3 năm qua, giá hạt tiêu nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên đã tăng trên 2 lần.

Giá tiêu hôm nay 18/11: Biến động ở Gia Lai, tiêu Việt cần đẩy nhanh tái cơ cấu để tăng giá trị
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 83.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước có tỉnh Gia Lai giảm 500 đồng/kg, còn lại đều đi ngang so với cùng thời điểm sáng qua. Thị trường trong nước vẫn đang trong đợt suy giảm. Nguyên nhân được cho là do dòng tiền eo hẹp khi đang ở chính vụ cà phê, các đại lý ưu tiên chuyển sang kinh doanh cà phê do thị trường hiện đang rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng đẩy mạnh bán hàng tồn kho để tăng nguồn vốn trong bối cảnh dòng tiền xuất khẩu chậm về do tắc nghẽn và vận chuyển hàng hóa lâu hơn bình thường.

Ngoài ra, giới đầu cơ trong nước tăng cường xả hàng để chốt lời cũng khiến giá mặt hàng này giảm mạnh. Hiện thị trường đang chờ đợi vào nguồn tiền xuất khẩu quay trở lại để các đơn vị thực hiện những đơn hàng tháng tới.

Tuy vậy, so với đầu năm giá tiêu trong nước đã tăng trưởng rất tốt. 3 năm qua, giá hạt tiêu nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên đã tăng trên 2 lần. Sau một thời gian giảm giá, các chuyên gia nhận định giá tiêu đang bước vào chu kỳ hồi phục về giá, do nhu cầu thế giới tăng cao, nguồn cung thiếu hụt.

Theo Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Dương Đức Quang, giá tiêu tăng mạnh ở hầu như toàn bộ các thị trường lớn trên thế giới trong năm 2021, chủ yếu do lo ngại về sản lượng tại Việt Nam. Nước ta hiện vẫn đang là nước sản xuất tiêu lớn nhất trên thế giới, nên khi dự báo sản lượng năm nay có thể bị sụt giảm tới 8%, nguồn cung hạt tiêu xuất khẩu bị thắt chặt lại, sẽ là động lực cho đà tăng mạnh này.

Có thể thấy, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 60% lượng hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới nhưng 80% sản phẩm vẫn ở dạng thô. Chính vì vậy, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới mục tiêu của ngành là nâng tỷ lệ sản phẩm đã qua chế biến lên cao hơn, giảm tỷ lệ xuất khẩu tiêu thô, nhưng việc này không dễ.

Nguyên nhân được chỉ ra gồm: Chi phí cao khi đầu tư chế biến sâu; Khó khăn khi tìm thị trường và đặc biệt là tiêu của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính. Hiện diện tích trồng tiêu bền vững mới đạt khoảng 10%.

Các doanh nghiệp cho rằng, muốn làm tiêu chế biến, phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn, từ vùng nguyên liệu canh tác tiêu phải an toàn, đến hệ thống nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, như vậy sản phẩm mới có thể vào được thị trường lớn đòi hỏi chất lượng cao. Hiện diện tích trồng tiêu trên cả nước khoảng 140.000 ha và mục tiêu đến năm 2025, ngành tiêu phấn đấu sẽ có khoảng 30% diện tích trồng tiêu an toàn, tạo tiền đề để phát triển ngành tiêu chế biến sau này.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021 hạt tiêu của Việt Nam đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Đáng nói, hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.