Giá tiêu hôm nay 2/1: Cần làm ngay điều này để giúp thị trường ổn định, nông dân đỡ thua thiệt

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 2/1 trong khoảng 79.500 - 82.000 đồng/kg. Kết thúc tuần, thị trường trong nước tăng 2.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, tăng 2.500 đồng/kg ở khu vực Đông Nam Bộ.

Giá tiêu hôm nay 2/1: Cần làm ngay điều này để giúp thị trường hồ tiêu ổn định, nông dân đỡ thua thiệt  
Giá tiêu hôm nay 2/1: Cần làm ngay điều này để giúp thị trường hồ tiêu ổn định, nông dân đỡ thua thiệt  

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước trong dịp nghỉ Tết Dương lịch đang giữ ổn định. Kết thúc tuần cuối năm 2021, thị trường trong nước tăng 2.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, tăng 2.500 đồng/kg ở khu vực Đông Nam Bộ. Tổng kết năm giá tiêu nội địa tăng 51 - 54%.

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam. Về nguyên nhân chính được cho là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu trên thế giới đang có xu hướng phục hồi trở lại.

Nhưng thị trường hồ tiêu Việt Nam thiếu tính bền vững, dễ bị chi phối. Và dù có sản lượng áp đảo trên thế giới, hồ tiêu Việt vẫn chưa có vị thế xứng đáng trên thị trường quốc tế. Một nhà phân tích đã nhận định, một khi Việt Nam chưa có sàn, sở giao dịch và trung tâm “phát thanh” thông tin chính thống cho ngành hàng hồ tiêu, thì nông dân Việt còn chịu nhiều thua thiệt.

Vị này lấy ví dụ, 3 tháng cuối năm, thị trường hồ tiêu trong nước liên tục lao dốc. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể thấy rõ sự thao túng thị trường của nhiều doanh nghiệp. Họ liên tục tung thông tin, nhờ sự trợ giúp của hệ thống mạng xã hội đã mua đi bán lại hồ tiêu với giá hời. Lợi dụng tâm lý găm hàng chờ tăng giá để bán lượng hàng lớn rồi thông qua các đại lý chân rết gom lại hàng với giá thấp.

Tuy cũng là một mặt hàng nông sản có lượng mua bán nhiều và cần lượng vốn lớn, nhưng hồ tiêu Việt không chịu sự điều tiết và ảnh hưởng bởi các quỹ đầu tư tài chính như trên các sàn giao dịch khác như đường ăn, lúa mì hay cà phê… Do vậy, thông tin về thị trường luôn là những thứ chi phối chính.

Cách đây vài năm, khi hồ tiêu còn đang thịnh, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã từng đề nghị Bộ NN&PTNT thành lập sàn giao dịch hồ tiêu Việt Nam. Quan điểm là, một nước chiếm 60% sản lượng giao dịch hồ tiêu toàn cầu nên Việt Nam phải có một cái "chợ" để mua bán hồ tiêu. Sàn giao dịch hồ tiêu là cái "chợ" đó. Nghĩa là, khi Việt Nam có một sàn giao dịch hồ tiêu sẽ giúp ngành hồ tiêu có thêm công cụ để điều phối giá hồ tiêu trên thị trường.

Thực tế, nông dân trồng hồ tiêu đang bị thua thiệt và hoàn toàn tin vào những luồng thông tin mở, thật giả lẫn lộn, đôi khi là con dao hai lưỡi. Do vậy, vị chuyên gia có lời khuyên cho nông dân, đó là "Đừng bao giờ bán vì sợ", đừng lao theo đám đông đổ xô bán khi giá xuống thấp, hồ tiêu không phải mặt hàng nông sản khó bảo quản, nhanh hỏng.