Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 21/9: Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đứng trước bờ vực phá sản, VPA nêu 5 kiến nghị khẩn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 21/9 trong khoảng 76.000 - 80.500 đồng/kg. Để giữ thị trường và uy tín, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện hợp đồng với mức lỗ không hề nhỏ đã được ước tính cho mỗi đơn hàng xuất khẩu.

 Giá tiêu hôm nay 21/9: Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đứng trước bờ vực phá sản, VPA nêu 5 kiến nghị khẩn

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 78.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 77.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 80.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.000 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Quãng thời gian cuối tuần qua, giá tiêu xuất khẩu lẫn thị trường trong nước đều đi ngang.

Có thể nói, quãng thời gian dịch bệnh kéo dài vừa qua tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các biện pháp mạnh được thực hiện để ngăn ngừa Covid-19 thời gian qua đã chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp, bởi các thủ tục để thực hiện “3 tại chỗ” và xin giấy đi đường. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải gồng gánh thêm khoản chi phí về xét nghiệm và thiết bị cho nhân viên sản xuất thực hiện “3 tại chỗ”.

Tình trạng kẹt cảng và thiếu container rỗng trong một thời gian dài đã tạo cơ hội cho các hãng tàu thao túng phụ phí và cước phí vận tải. Giá vận tải các tuyến tăng gấp 10 lần từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Tuy nhiên, để giữ thị trường và uy tín, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện hợp đồng với mức lỗ không hề nhỏ đã được ước tính cho mỗi đơn hàng xuất khẩu.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết trong thời gian thực hiện yêu cầu“3 tại chỗ”, nhà máy của ông của có thể hoạt động 30% do không thể đáp ứng được toàn bộ điều kiện ăn, ở cho toàn bộ công nhân. Ngoài ra, công ty cũng phải chật vật để xin giấy đi đường cũng khiến hoạt động sản xuất đình trệ. xuất khẩu hồ tiêu của Phúc Sinh trong 8 tháng đầu năm nay giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 12,4 nghìn tấn.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã đưa ra 5 kiến nghị, trong đó đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế mở cửa dần cho các tỉnh thành đã tiêm cho người dân 1 mũi, 2 mũi vaccine để các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường; Chính phủ cần có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cần giảm lãi vay cho các doanh nghiệp...

VPA kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; Bộ NN-PTNT cần sớm chỉ đạo Cục Trồng trọt thống kê diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước, để các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và các khuyến cáo đưa ra kịp thời, trước tình hình diện tích có thể tăng và nguy cơ khủng hoảng ngành hồ tiêu có khả năng tái diễn khi giá hồ tiêu tăng cao.

Cuối cùng VPA đề nghị Chính phủ và bộ, ngành sớm có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.