Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 73.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua.
Hôm qua, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng 50 USD/tấn, tương ứng với 3.750 USD/tấn tiêu đen loại 550g/l và 5.800 USD/tấn với tiêu trắng.
Tuần trước, theo ghi nhận chỉ có giá tiêu đen nội địa Việt Nam ghi nhận sự gia tăng. Trong khi đó giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế tiếp tục xu hướng giảm. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2022 đạt 4.504 USD/tấn, giảm 2,7% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 4/2022.
Như vậy, gần 1/2 thời gian của năm 2022 đã qua, thị trường hồ tiêu trong nước chứng kiến sự sụt giảm gần 10.000 đồng/kg tại các địa phương so với đầu năm. Trái ngược với những dự đoán lạc quan đầu vụ về năng suất giảm, các nước mở cửa sau Covid-19, Việt Nam được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do... giá hồ tiêu trên bình diện thế giới và nội địa liên tiếp lao dốc.
Lâu nay, giá hồ tiêu được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách tiền tệ, tài chính trên thế giới, mà chủ yếu phụ thuộc và nhu cầu, nguồn hàng từ các nước xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, những diễn biến từ đầu năm đến nay khiến nhận định trên cần phải thay đổi lại cho phù hợp. Cuộc chiến tranh ở khu vực Đông Âu đã dẫn đến hệ lụy xấu với kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiên trì chính sách Zero Covid cũng khiến thị trường hàng hóa nói chung, hồ tiêu nói riêng bị ngưng trệ.
Hậu quả là nỗi lo lạm phát lan rộng trên toàn cầu. Fed và ngân hàng trung ương các nước buộc phải tăng lãi suất. Đồng USD lên mức cao nhất mấy chục năm qua. Cuộc đua lãi suất kéo theo hàng hóa tăng phi mã. Trong bối cảnh đó, lương thực thiết yếu tăng, nhưng những loại gia vị, hay cà phê lại xu hướng giảm. Vì người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu giảm mạnh.
Quan trọng hơn, sức ép của việc tăng lãi suất cơ bản tiền tệ buộc những đơn vị nhập khẩu không vội vàng ký hợp đồng mới, trong khi tồn kho vẫn còn. Còn giới đầu cơ trong nước cũng phải nhanh chóng bán cắt lỗ do phải gánh lãi suất cao. Điều này khiến thị trường liên tục rơi vào trạng thái thừa cung, thiếu cầu. Thực tế cho thấy, trong biểu đồ giá tiêu qua các tháng, có những lúc thị trường đi lên, đấy là khi xuất khẩu gom hàng. Khi đã no các đơn hàng xuất khẩu, thị trường lại bắt đầu chu kỳ đi xuống. Trong bối cảnh chung tình hình tài chính thế giới, giá hồ tiêu cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy. Có thể nói giá hồ tiêu đã ngấm đòn từ lãi suất.