Giá tiêu hôm nay 22/8: Đông Nam Bộ tăng 1.000 đồng/kg/tuần, các công ty xuất khẩu ra sao 7 tháng đầu năm?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 22/8 trong khoảng 76.500 - 79.500 đồng/kg. Pearl Group (Công ty CP TM-DV XNK Trân Châu) vẫn là đơn vị xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đó là Olam Việt Nam và Phúc Sinh.

 Giá tiêu hôm nay 22/8: Đông Nam Bộ tăng 1.000 đồng/kg/tuần, các công ty xuất khẩu ra sao 7 tháng đầu năm?
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 77.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 78.500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu giữ ổn định so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Trong tuần này, giá tiêu tại Tây Nguyên biến động trong phạm vi hẹp, và giữ nguyên. Trong khi đó, giá tiêu khu vực Đông Nam Bộ tăng 1.000 đồng/kg, cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu, gần chạm mốc 80.000 đồng/kg.

Theo nhận định, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 1-2 tháng tới tiếp tục có nhiều hạn chế do dịch Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển phía Nam cùng giá cước tàu biển vẫn duy trì ở mức cao vẫn sẽ là trở ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa nhập khẩu do lo ngại dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường này.

Qua nửa tháng 8/2021 nhưng lượng tiêu xuất khẩu mới chỉ bằng 1/3 so với tháng 7/2021. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 8/2021 đạt 8.449 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 31,56 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 26.339 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 95,13 triệu USD.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Pearl Group vẫn là đơn vị xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với 16.421 tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hạt tiêu xuất khẩu của Phúc Sinh, Haprosimex JSC, DK Commodity cũng giảm lần lượt là 25,8%, 8,3% và 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Olam Việt Nam đã vượt qua Phúc Sinh để vươn lên vị trí số 2 về doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam sau 7 tháng với 14.034 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Nedspice đứng ngay sau với 11.627 tấn, tăng 12,8%.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng trong 7 tháng đầu năm nay như: Liên Thành tăng 51,9%, Hoàng Gia Luân tăng 26,6%, Gia vị Sơn Hà tăng 15,3%, đặc biệt Interserco VCI và Vũ Đức Thuận có khối lượng tiêu xuất khẩu tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh nghiệp Phạm Thị Hằng tăng tới 4 lần.

Năm 2021, ngành hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm về lượng, nhưng tăng mạnh về trị giá, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ vẫn giữ ở mức 41.300 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 19/8/2021 đến ngày 25/8/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,47 VND/INR.