Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 56.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 59.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 58.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường tạm dừng giao dịch khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023.
Kết thúc năm Nhâm Dần thị trường nội địa mất đến 23.000 - 24.000 đồng/kg. Năm qua, hàng loạt yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường. Trong đó đồng USD cao và thị trường Trung Quốc đóng băng là những nhân tố làm giảm giá hồ tiêu nhiều nhất.
Tuy vậy, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 231.988 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 201.995 tấn, tiêu trắng đạt 29.993 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,3 triệu USD, tiêu đen đạt 811,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 173,8 triệu USD. So với năm 2021, lượng xuất khẩu giảm 12% tương đương 31.704 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9% tương đương 36,5 triệu USD.
Đáng chú ý, ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác như: Brazil, Indonesia... về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Châu Âu và Mỹ là những nhà nhập khẩu hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu toàn cầu. Riêng thị trường châu Âu nhập đến 90% tiêu đen nguyên hạt, 10% còn lại tiêu xay.
Các chuyên gia nhận định, giữa loạt yếu tố tiêu cực trên, điểm tích cực của hồ tiêu Việt năm qua là đã tận dụng tốt được các hiệp định thương mại. Hiện nay mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam nên nước ta có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, gia vị hồ tiêu xay hoặc nghiền, ớt, vani, đinh hương… và các gia vị khác có mức thuế 0%.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với thị trường này là các quy định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm thường xuyên thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp và người nông dân (hợp tác xã) cần liên kết chặt với nhau trong sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá, nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại châu Âu rất lớn, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như Đức, Anh, Hà Lan…, còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu. Điều này, số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã chỉ rõ, năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu vào Singapore tăng 717,6%; HongKong tăng 611,1%; đặc biệt là thị trường Nga mặc dù đang bị ảnh hưởng bởi xung đột nhưng vẫn tăng 21,1% đạt 6.291 tấn.