Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 26/11: Đồng loạt tăng, nông dân trồng tiêu vẫn đứng ngồi không yên

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 26/11 đồng loạt tăng nhẹ ở các địa phương, cao nhất vẫn ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù mức giá hiện nay có dấu hiệu cải thiện và người trồng tiêu đã bắt đầu có lãi, nhưng hiện nhiều diện tích trồng tiêu đang bị giảm sản lượng đáng kể.

Giá tiêu hôm nay 26/11: Đồng loạt tăng, nông dân trồng tiêu vẫn đứng ngồi không yên
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay hiện được thu mua với mức 56.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 55.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 55.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 58.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 57.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 60 rupee/tạ (0,17%), lên mức 35.000 rupee/tạ; giá giao tháng 11/2020 ở mức 35.150, giữ nguyên.

Theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, diện tích tiêu ở nhiều nơi trọng điểm như Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến giảm mạnh. Nguyên nhân do sự thiếu đầu tư và chăm sóc của người dân vì giá hạt tiêu giảm mạnh thời gian qua, bên cạnh đó là biến đổi khí hậu. Hiện tượng tương tự cũng đang được ghi nhận tại tỉnh Bình Phước.

Bình Phước hiện có 14.500 ha hồ tiêu. Năm 2018, sản lượng tiêu đạt gần 27.000 tấn. Thế nhưng năm 2019 và 2020, nhiều diện tích tiêu của nông dân trong tỉnh không có trái, hoặc có nhưng năng suất chỉ đạt trên 60%, vì vậy nguy cơ giảm sản lượng là hiện hữu.

Ông Lê Hữu Thanh - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) cho biết: Toàn xã có 3.050 hộ dân thì hơn 1.000 hộ trồng tiêu. Trước năm 2018, diện tích hồ tiêu của xã lên tới 550 ha, hơn 2 năm trở lại đây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm khiến diện tích giảm còn 250 ha.

Năm nay, rất nhiều vườn tiêu không có trái hoặc cho trái ít khiến nông dân vô cùng lo lắng. Nguyên nhân là do giá xuống thấp nên nông dân ít đầu tư, cộng với thời tiết diễn biến thất thường, một số giống tiêu cứ 1 năm được mùa thì năm sau lại không có trái, do vậy diện tích hồ tiêu không có trái tăng. Nhiều hộ dân không có nguồn thu để trả lãi và vốn vay ngân hàng.

Với thực trạng này, người dân trồng tiêu mong muốn Nhà nước, các ngân hàng có những biện pháp giãn nợ cho người trồng tiêu, giúp họ có điều kiện tái đầu tư chăm sóc vườn, ổn định cuộc sống.