Giá tiêu hôm nay 28/11: Giá tiêu Tây Nguyên tiếp tục tăng, đích đến 60 triệu đồng/tấn không còn xa

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 28/11 tiếp tục tăng nhẹ tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong 3 ngày qua, giá tiêu tại khu vực này tăng hơn 1.000 đồng/kg.

 Giá tiêu hôm nay 28/11: Giá tiêu Tây Nguyên tiếp tục tăng, đích đến 60 triệu đồng/tấn không còn xa

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay hiện được thu mua với mức 57.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 56.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 55.500 đồng/kg, giữ nguyên giá.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 58.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 57.500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 100 rupee/tạ lên mức 35.000 rupee/tạ; giá giao tháng 11/2020 ở mức 35.300, tăng 50 rupee/tạ (0,14%).

Điều khiến người trồng tiêu tại Ấn Độ lo lắng nhất bây giờ là việc nhập khẩu tiêu trái phép giá rẻ. Theo Hội đồng Gia vị Ấn Độ, tiêu đen Kochi hiện đang có giá từ 300 - 350 rupee/kg tại thị trường nội địa.

Trước thực trạng đó, ông SR Satishchandra, Chủ tịch Hợp tác xã Tiếp thị và Chế biến Cacao miền Trung cho biết, hợp tác xã đang có kế hoạch tiếp thị hạt tiêu trên nền tảng thương mại điện tử, The Hindu Business Line đưa tin.

Dự kiến vào cuối tháng 12, hợp tác xã sẽ tung ra các gói hạt tiêu với trọng lượng 200g để quảng bá cho tiêu Ấn Độ. Đây là một cách chuyển hướng kinh doanh nhằm lấy lại vị thế cho mặt hàng tiêu nội địa trong bối cảnh hiện nay.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Hồ tiêu, hiện nay phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia… thì muốn phát triển được, hồ tiêu của Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chuyển dần sang chế biến sâu.

Trên thực tế, ngoài làm gia vị, hạt tiêu được sử dụng nhiều để làm nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược; khai thác được phân khúc tiêu thụ này, có thể giải quyết được bài toán nan giải về phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Về lâu về dài, nếu không hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến thì người nông dân vẫn sẽ mãi phải theo đuổi với điệp khúc được mùa - mất giá và ngược lại.